Kinh tế nhiều nước đã bứt phá sau khi lập Khu thương mại tự do
Được “tiếp sức” bởi các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là loạt ưu đãi tại khu thương mại tự do, nhiều thành phố trên thế giới đã phát triển ngoạn mục, trở thành bệ đỡ kinh tế cho cả quốc gia. Đây là những kinh nghiệm quý giá mà Đà Nẵng có thể tham khảo trong hành trình phát triển sắp tới.
Bước nhảy vọt của Phố Đông, Incheon
Từng chỉ là làng chài nghèo vô danh nhưng với quyết tâm phát triển kinh tế mạnh mẽ, cùng những chính sách được cho là “điểm trúng huyệt”, Phố Đông (Trung Quốc) hay Incheon (Hàn Quốc) đã tạo nên những kỳ tích khiến cả thế giới thán phục.
Được thành lập vào năm 1990, Phố Đông bên bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải) đã nhanh chóng trở thành một trong những biểu tượng của sự phát triển kinh tế và hiện đại hóa thần tốc tại Trung Quốc. Nơi đây được kiến tạo cơ sở hạ tầng hiện đại và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm đưa Thượng Hải thành một trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng như Tháp Oriental Pearl, Tháp Thượng Hải và Trung tâm Tài chính thế giới Thượng Hải được xây tại Phố Đông để tạo điểm nhấn và thu hút du lịch.
Thông qua các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Phố Đông được tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Nhiều chính sách đột phá được áp dụng như Thiết lập khu công nghệ cao Zhanjiang để thu hút các công ty công nghệ, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học và công nghệ môi trường; cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong các ngành công nghệ cao; Phát triển các khu vực tự do thương mại (Free Trade Zones) với các quy định linh hoạt để thúc đẩy xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics...
Với những chính sách ưu việt được áp dụng liên tục 30 năm qua, Phố Đông đã trở thành trung tâm tài chính mới của Trung Quốc. Mặc dù chỉ chiếm 1/8.000 tổng diện tích nhưng Phố Đông đóng góp tới 1/80 GDP của cả nước và 1/15 tổng giá trị xuất nhập khẩu. GDP của khu vực này đã tăng gấp hơn 200 lần từ 6 tỷ nhân dân tệ vào năm 1990 lên hơn 1.200 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019. Vốn đầu tư nước ngoài đạt 103 tỷ USD, thu hút 350 công ty đa quốc gia đến từ 170 nước, khu vực đến đặt trụ sở.
Một điểm sáng thành công khác khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phải kể đến Khu kinh tế tự do Incheon của Hàn Quốc (IFEZ - Incheon Free Economic Zone). Được thành lập vào năm 2003, IFEZ được thiết kế để trở thành một trung tâm kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. IFEZ nằm ở Incheon, thành phố cảng chiến lược ở bờ biển phía tây Hàn Quốc, gần thủ đô Seoul và sân bay quốc tế Incheon - một trong những sân bay lớn nhất và bận rộn nhất thế giới.
IFEZ được đầu tư mạnh về hạ tầng như xây cảng lớn chỉ sau cảng Busan, mạng lưới tàu điện ngầm kết nối thuận lợi tới Seoul và xây dựng các dịch vụ đô thị như bệnh viện, trung tâm thương mại quốc tế, tổ hợp logistics,... Các doanh nghiệp tại IFEZ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, cho phép quyền sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, cung cấp các hỗ trợ về tài chính, thủ tục hành chính và dịch vụ một cửa…
Tính đến cuối tháng 7/2023, IFEZ đã thu hút 14,8 tỷ USD vốn FDI, chiếm hơn 70% tổng số vốn FDI thu hút được của 9 Khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc. Số lượng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tăng từ 3 công ty lên 206. Đặc biệt, IFEZ đang nỗ lực nuôi dưỡng nhân tài để chuyển đổi thành một TP đổi mới sáng tạo vững chắc, thu hút các trường ĐH danh tiếng của Mỹ…
Những bài học thành công trên cho thấy, nếu được gỡ rào cản cơ chế, các thành phố có thể vươn lên mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như trở thành trung tâm du lịch, đầu tư của khu vực.
Cơ hội cho Đà Nẵng
Đà Nẵng – thủ phủ của miền Trung Việt Nam, thành phố đáng sống, điểm đến được yêu thích của người dân cả nước và khách quốc tế đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ nếu được áp dụng cơ chế vượt trội. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các đại biểu sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Nghị quyết này quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể. Đáng chú ý, trong các chính sách mới đề xuất thí điểm để phát triển Đà Nẵng có việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đây là mô hình kinh tế phổ biến và rất được chú trọng trên thế giới để thúc đẩy thương mại quốc tế và thu hút FDI. Nhiều nước đã thành công với mô hình này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore...
Việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ gắn với cảng biển Liên Chiểu để thực hiện các cơ chế thu hút đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác. Các doanh nghiệp trong khu thương mại tự do sẽ được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan. BQL khu công nghệ cao và khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khu thương mại tự do, có thẩm quyền thực hiện quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ”.
Nếu được thông qua, đây sẽ là tiền để thúc đẩy Đà Nẵng thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các DN trong và ngoài nước, góp phần tăng tốc phát triển kinh tế, tạo đà phát triển du lịch và tăng sức hút cho thị trường việc làm, bất động sản… Nói về chính sách này, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Các nước đi trước từ lâu và thành công, giờ ta đi sau cũng có lợi thế, điều gì không phù hợp thì tránh, áp dụng những điều phù hợp với Việt Nam. Không làm được thiết chế này, sắp tới không cạnh tranh được về đầu tư".
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, ý tưởng xây dựng Khu thương mại tự do thế hệ mới đang được Đà Nẵng ráo riết đề xuất. Đây là một trong những định hướng lớn, giúp thành phố sớm xoay chuyển cục diện phát triển. Với tư cách là một hình mẫu phát triển, Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu, với cấu trúc phát triển mới dựa vào hai trục chính: Công nghiệp – công nghệ cao và Dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế – sẽ là động lực mới của thành phố giai đoạn tới.