Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 06/08/2023 09:59 (GMT+7)

Không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng

Theo dõi GĐ&PL trên

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/8, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin, trả lời báo chí về những điểm mới khó khăn và thuận lợi trong việc xét tuyển đại học năm 2023; việc không tăng học phí.

tm-img-alt

Nhiều điểm mới trong xét tuyển đại học năm 2023

Tại cuộc họp, báo chí đã nêu câu hỏi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xét tuyển đại học đang diễn ra, từ đó, đề nghị cho biết những điểm mới khó khăn và thuận lợi trong năm 2023. Đồng thời, việc điều chỉnh không tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ, nhưng các trường đại học, đặc biệt là đại học tự chủ gặp khó khăn; từ đó đề nghị cho biết quan điểm giải quyết vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, năm nay, việc tổ chức đăng ký xét tuyển vào đại học có một số điểm mới trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn đã rút kinh nghiệm từ năm 2022.

Về thuận lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành một số đổi mới, quy chế mới, trong đó có việc tập trung các phương thức xét tuyển trên cùng hệ thống cho thí sinh thực hiện tất cả các quy trình trong tuyển sinh, từ việc đăng ký nguyện vọng tới nộp lệ phí, xác nhận nhập học, tất cả được thực hiện trực tuyến. Mặc dù có một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng cơ bản là đạt được thành công, được các thí sinh, các trường đại học và cả xã hội đánh giá cao. Trên cơ sở những thuận lợi và thành công của năm 2022, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo không điều chỉnh quy chế tuyển sinh mà chỉ sửa đổi một số phần kỹ thuật để hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh.

Về một số điểm mới quan trọng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trước hết, thực hiện chủ trương chuyển đổi số, năm 2023 là năm Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh các nguồn dữ liệu phục vụ xét tuyển từ kết quả thi THPT đến kết quả học tập THPT, học bạ, dữ liệu thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học, 2 Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm, các trường năng khiếu... tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học.

Điểm mới thứ hai là việc xác nhận kết quả thi, điều kiện ưu tiên, đối tượng ưu tiên năm nay cũng dựa trên dữ liệu kết nối với Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Thí sinh năm nay không phải đi xin các xác nhận của các địa phương mà các em có thể xem trực tiếp trên đó và các địa phương cũng sẽ duyệt các khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên trên đó.

Điểm mới thứ ba và quan trọng nhất là năm nay, thí sinh không phải lựa chọn phương thức xét tuyển. Điểm này năm ngoái có một số khó khăn là các em nhầm lẫn khi chọn 1 ngành mà trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau hay nhiều tổ hợp xét tuyển. Năm nay, Bộ đã nghe ý kiến và để các em chỉ chọn ngành, chọn trường.

Điểm mới thứ tư là năm nay Bộ cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các kênh thanh toán, các ngân hàng để rà soát hệ thống, chuẩn bị kênh thanh toán lệ phí trực tuyến. Cho đến nay các kênh thanh toán này hoạt động thông suốt, đến 15 giờ chiều 5/8, hoàn thành lệ phí đạt 91%.

Cho đến nay mọi thứ diễn ra thuận lợi. Bước tiếp theo, sau vài ngày nữa, Bộ sẽ cập nhật dữ liệu để các trường cùng với Bộ tổ chức xét tuyển, công bố kết quả, chậm nhất là 22/8.

Nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học

Về học phí, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, liên quan đến học phí, mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân nên không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học. Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, xin ý kiến các bộ ngành… trình Chính phủ. Đây cũng sẽ là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Nhìn tổng thể về tài chính giáo dục nói chung, tài chính đại học nói riêng, học phí chỉ là một nguồn (với giáo dục đại học là nguồn chính hiện nay) và chính sách học phí cũng chỉ là một trong nhiều chính sách liên quan.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, học phí không phải là nguồn duy nhất và chính sách học phí không phải là duy nhất. Tuy nhiên, học phí đại học chiếm tỉ trọng lớn từ 50%-90%. Về lâu dài, giáo dục phổ thông mang tính phúc lợi, do ngân sách nhà nước đảm bảo nên bày tỏ mong muốn địa phương quan tâm giúp giáo viên yên tâm làm nghề, khắc phục và giảm thiểu hiện tượng giáo viên nghỉ việc.

Đối với giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học công nghệ, có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Đây cũng là lĩnh vực chịu tác động lớn trong ba năm qua do đại dịch và các vấn đề khác, chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu. Do đó, giáo dục đại học gồm có cơ chế tài chính, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học. Các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Trước đó, nhiều trường đại học "than khó" trong việc cân đối tài chính vì 3 năm liên tiếp Chính phủ yêu cầu các đơn vị không tăng học phí. Không chỉ vậy, các trường còn nêu, từ sau ngày 1/7, Chính phủ tăng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng. Để đáp ứng chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, các trường đều phải dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng. Mức thu học phí không tăng nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách trường ngày càng eo hẹp. Để ứng phó với tình hình khó khăn này, hầu hết các trường quyết định cắt giảm tối đa các hoạt động chưa thật sự cần thiết, giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất.

"Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn giống như hỗ trợ doanh nghiệp" - Thứ trưởng Sơn cho biết.

Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, do vậy Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường (nhất là các trường tự bảo đảm chi thường xuyên) bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo…

Cùng chuyên mục

Hạnh phúc của nghề giáo
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các giáo viên trẻ đã có những chia sẻ về niềm tự hào và hạnh phúc khi được gắn bó với nghề cao quý này.

Tin mới

Nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo dụ dỗ đầu tư tiền ảo
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Tiền Giang) khuyến cáo, tiền ảo là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được đánh giá hết, ở Việt Nam chưa có biện pháp để bảo vệ người dùng và biện pháp quản lý. Người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư tài chính qua các ứng dụng đầu tư tài chính trên không gian mạng, các trang web ứng dụng đầu tư tiền ảo được quảng cáo lãi suất cao tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo.