Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 14/10/2024 13:34 (GMT+7)

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo

Theo dõi GĐ&PL trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo
Ảnh minh họa.

Tại phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận số 990/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Kết luận số 990/KL-UBTVQH15 nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực phối hợp với cơ quan thẩm tra, nghiêm túc tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ dự án luật theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, trong đó lưu ý một số nội dung.

Cụ thể, vì nội dung dự án Luật Nhà giáo thay đổi căn bản so với dự án Luật Nhà giáo trình lần đầu.

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hoàn thiện hồ sơ dự án luật, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn kèm theo và xây dựng tờ trình mới của Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội trước ngày 18/10 để thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xử lý những xung đột pháp lý, bảo đảm tính kế thừa, thống nhất, đồng bộ, liên thông, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, cần lưu ý đến tính chất đặc thù của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Dự luật cần bảo đảm nguyên tắc không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Đối với những chính sách mới, có tính đặc thù, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định rõ đối tượng áp dụng, bảo đảm phù hợp, khả thi. Các quy định, chính sách cần ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà giáo.

Hoàn thiện các chính sách với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, đột phá.

Đối với chính sách về nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá; bảo đảm các khung chính sách của nhà nước về nhà giáo được cụ thể hóa đầy đủ.

Đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của những chính sách mới, nhất là việc bảo đảm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện.

Rà soát các chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo bảo đảm tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật và có những cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút nhà giáo.

Chính sách tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương.

Việc quản lý nhà giáo và quy định về thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo cần bảo đảm sự tập trung, có phân cấp, phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng chủ thể quản lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cùng chuyên mục

Chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức xấu
Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8 giờ ngày 17/10, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức kém và xấu.

Tin mới

Hà Giang: Lễ hội hoa tam giác mạch 2024 sẽ chính thức diễn ra tại Quảng trường Thanh Niên huyện Đồng Văn vào đầu tháng 11
Ngày 9 tháng 11 năm 2024, Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang sẽ chính thức diễn ra tại Quảng trường Thanh Niên, huyện Đồng Văn. Đây là một sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài
Hà Lan: “Sách giáo khoa” của toàn cầu về lấn biển và trị thủy
Không phải ngẫu nhiên Hà Lan lại có tên gọi là “Netherlands” hay “vùng đất thấp”. Hàng trăm năm qua, quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển đã không ngừng “viết lại sách giáo khoa” toàn cầu về lấn biển, trị thủy với những dự án quy mô để nỗ lực giành đất từ biển phát triển kinh tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giảm giá vé tàu xe công cộng cho học sinh, sinh viên
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất học sinh, sinh viên được giảm giá vé tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà; học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.