Cần có chế độ, chính sách tốt hơn cho nhà giáo nhưng không tạo đặc quyền, đặc lợi
Đánh giá cao dự thảo Luật Nhà giáo khi đề xuất nhiều chính sách phù hợp, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, quy định phù hợp, khả thi và tránh tạo đặc quyền, đặc lợi.
Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo. Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật này sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp; giúp nhà giáo yên tâm công tác, thêm yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Các chính sách mới cũng bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập để phù hợp với đối tượng nhà giáo ngoài công lập đang ngày càng gia tăng, có vai trò quan trọng trong đời sống giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập - không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động mà còn đầy đủ tư cách của nhà giáo. Về chính sách đối với nhà giáo, một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo…) đã được rà soát kỹ lưỡng để vừa bảo đảm có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH quan tâm đến chính sách tiền lương và đãi ngộ của nhà giáo. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá, đây là một trong những nội dung đột phá, đảm bảo sức thu hút để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, ông đề nghị tờ trình của Chính phủ và các hồ sơ kèm theo lý giải đầy đủ hơn và lập luận thuyết phục những cơ chế, chính sách được đề xuất.
Ví dụ, dự thảo đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp trong khi Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đặt vấn đề phải thu hẹp hoặc hợp nhất một số loại phụ cấp, đặc biệt liên quan đến vùng miền, nghề nghiệp… Đây là vấn đề cần phải có sự lý giải, phân tích đầy đủ cũng như xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Hay về chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, dự thảo luật quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị giảm tỷ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, có thể có chính sách khác, còn nếu ghi vào luật như vậy sẽ tạo đặc quyền, đặc lợi và mâu thuẫn với Luật Bảo hiểm xã hội vừa mới thông qua.
Trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải thì nêu một số hiện tượng diễn ra vừa qua “khá đau xót, ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo”. Như việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền để mua máy tính, hay hình ảnh cô giáo thân mật quá mức với học sinh ngay tại lớp học… Từ thực tế trên, bà Hải đề nghị quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đạo đức nhà giáo, cũng như có các chính sách để Luật Nhà giáo ra đời tạo đột phá và thực hiện đúng thầy, cô giáo là chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi cho người học...