Huyện Hưng Hà thừa nhận sai sót về quản lý đất đai, xây dựng
Để doanh nghiệp “hô biến” hàng ngàn m2 đất quy hoạch khu dân cư thành nhà máy, xưởng sản xuất không phép, chính quyền huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã thừa nhận
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý…
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có bài viết phản ánh: 6,5 héc-ta đất tại khu vực cánh đồng Lẻ (cũ) thuộc thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được huyện Hưng Hà quy hoạch làm khu dân cư mới. Nhưng thực tế không có hộ dân nào tiến hành xây dựng nhà ở, mà thay vào đó là hàng loạt nhà máy, xưởng sản xuất không phép “mọc” lên với quy mô hoạt động không khác gì “cụm công nghiệp”.
Một trong số các nhà máy này còn bị người dân nhiều lần tố xả thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Liên quan đến nội dung phản ánh trên, Phòng Kinh tế - Hạ Tầng (KT-HT) huyện Hưng Hà đã có báo cáo về việc sử dụng đất quy hoạch dân cư tại cánh đồng Lẻ, xã Phúc Khánh để thông tin, trả lời báo chí.
Theo đó, tổng diện tích 6,5ha ở khu vực cánh đồng Lẻ thuộc thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh được UBND huyện Hưng Hà quy hoạch làm khu dân cư ở 2 vị trí.
Vị trí thứ 1 được phê duyệt bản vẽ quy hoạch chi tiết năm 2015 rộng hơn 1,3ha với 53 lô đất ở. Năm 2016, UBND xã Phúc Khánh tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng, sau đó bán đấu giá.
Kết quả, bà Nguyễn Thị Tuyết (đại diện Công ty TNHH dệt may Hồng Nhật Hồng) sở hữu 20 lô đất nằm ở 2 dãy liền nhau, mỗi dãy 10 lô. Từ năm 2017, bà Tuyết đã tiến hành hợp lô, xây dựng tường bao, nhà xưởng, trụ sở văn phòng trên diện tích đất này.
Tương tự, ông Nguyễn Kim Khang (đại diện Công ty An Hiệp) mua lại 23 lô đất và cũng xây dựng tường bao, nhà xưởng, trụ sở văn phòng, lán để xe.
Vị trí quy hoạch thứ 2 giáp vị trí thứ nhất, với tổng diện tích hơn 5,2ha được UBND huyện Hưng Hà phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vào năm 2016, giai đoạn 1 đã tổ chức đấu giá hơn 2,3ha (trong đó có 107 lô đất ở).
Bà Trần Thị Thỏa (đại diện Công ty Mai Ánh) trúng đấu giá và sở hữu 25/107 lô đất nói trên, sau đó cũng xây dựng nhà xưởng sản xuất, giống như 2 trường hợp nêu ở trên.
Năm 2019, ngay khi các đơn vị tiến hành các họat động xây dựng nhà xưởng trên các lô đất tại khu quy hoạch trên, UBND xã Phúc Khánh đã lập biên bản cam kết, đình chỉ việc xây dựng lẫn vào rãnh thoát nước (khe thông gió) do xã xây dựng và biên bản làm việc hành chính, đối với các cá nhân, doanh nghiệp này.
Như vậy, có thể thấy chính quyền địa phương đã nắm rõ những vi phạm về sử dụng đất đai, xây dựng của các đơn vị ngay từ đầu, nhưng chỉ thực hiện lập biên bản cho có, chứ không đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm trên. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.
Lấp liếm nhằm hợp thức sai phạm
Cũng theo báo cáo trên, lý giải về nguyên nhân phá vỡ quy hoạch, sử dụng đất trái mục đích và xây dựng không phép tại khu vực này, Phòng KT-HT huyện Hưng Hà nêu:
Đối với cá nhân, doanh nghiệp: Do nhu cầu ở và sản xuất kinh doanh, gắn với phát triển kinh tế của các hộ doanh nghiệp tại địa phương; hạ tầng khu dân cư chưa được đầu tư, xây dựng đồng bộ theo quy hoạch nên khó khăn cho việc ở của người sử dụng đất, nên những hộ gia đình có một đến hai lô đất chưa xây dựng nhà ở, các hộ sở hữu nhiều thì tự làm hạ tầng và xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh…
Về phía chính quyền, Chủ quan của chính quyền địa phương tạo điều kiện để các hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển kinh tế, chưa kịp thời phổ biến các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và có biện pháp ngăn chặn khi các doanh nghiệp chưa có đầy đủ các thủ tục đất đai, xây dựng theo quy định; công tác quản lý quy hoạch, xây dựng tại địa phương còn hạn chế, chưa thực sự kiên quyết, triệt để, còn nể nang, tạo điều kiện, thời gian để cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, xây dựng trình cấp có thẩm quyền theo quy định...
Về hướng xử lý hậu quả, Phòng KT-HT sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện các văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý trật tự xây dựng, trong đó yêu cầu rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các địa phương nhất là người đứng đầu chịu trách nhiệm về quản lý, nhằm ngăn chặn kịp thời, hạn chế những sai phạm tiếp tục xảy ra trên địa bàn.
Đối với khu cánh đồng Lẻ, xã Phúc Khánh, thời gian tới phòng sẽ tham mưu UBND huyện đề nghị, phối hợp Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát lại những vi phạm để có biện pháp xử lý và hướng xử lý, đồng thời cũng hướng dẫn, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký biến động nhu cầu sử dụng về đất đai, đầu tư xây dựng và duy trì ổn định phát triển sản xuất trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các đại phương.
Qua nghiên cứu nội dung báo cáo trên của Phòng KT-HT huyện Hưng Hà, dư luận xã hội cho rằng việc kiểm tra làm rõ những sai phạm nghiêm trọng trên của UBND huyện Hưng Hà có lẽ chỉ làm để…cho biết ?!
Bởi lẽ, mặc dù phát hiện sai phạm từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chính quyền huyện Hưng Hà chưa đưa ra bất cứ biện pháp nào cụ thể để khắc phục, xử lý hậu qủa đối với những công trình trái phép trên. Và trách nhiệm của cá nhân, tập thể các đơn vị liên quan của huyện Hưng Hà cũng chưa được làm rõ, xử lý theo quy định.
Việc sử dụng đất sai mục đích, phá vỡ quy hoạch sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, đến hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói chung và địa bàn huyện Hưng Hà nói riêng. Thiết nghĩ đã đến lúc UBND tỉnh Thái Bình cần phải vào cuộc chỉ đạo các Sở, ngành liên quan của tỉnh tiến hành kiểm tra, thanh tra giải quyết dứt điểm sự việc, qua đó lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.