Hưng Yên: Bãi tập kết, trung chuyển cát không phép có 'nhờn luật'?
Trong một thời gian dài bãi tập kết, trung chuyển cát ven sông Hồng tại địa phận dốc Vĩnh, thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên ngang nhiên hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở bờ sông, gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.
PV đã có mặt tại thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vào ngày 12/11/2021 để tìm hiểu về thông tin phản ánh của người dân về việc xuất hiện một bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông Hồng không có thủ tục pháp lý hoạt động suốt thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con nhân dân.
Theo phản ánh, hàng ngày có nhiều lượt xe tải hạng nặng, thuyền trọng tải lớn tập trung về bãi tập kết ven sông Hồng để tập kết, trung chuyển cát từ tàu, thuyền lên xe tài chở đi tiêu thụ tại các khu vực lân cận, điều này gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống của người dân là rất lớn.
Theo quan sát, bãi tập kết này nằm ngay sát mép sông Hồng, cách tuyến đê phòng chống lũ lụt tỉnh Hưng Yên (tỉnh lộ 378) khoảng chừng 1km. Bãi tập kết, trung chuyển này có diện tích lên đến hàng nghìn m2. Bên trong bãi tập kết, thường xuyên có sự xuất hiện và cảnh giới của nhiều thanh niên với những hình xăm trên người. Một người dân cho biết, những thanh niên này sẵn sàng gây khó khăn và báo động cho những đối tượng đang tiến hành vận chuyển cát từ dưới thuyền lên xe ô tô nếu như có sự xuất hiện của người lạ mặt.
Tận mắt PV chứng kiến, ngay sát mép sông là một chiếc máy xúc cỡ lớn đang hoạt động hết công suất, bên dưới sông là 2 chiếc tàu chở cát trọng tải lớn đang neo đậu chờ đến lượt để đưa cát lên bờ. Cùng với đó là những chiếc xe tải đang xếp hàng chờ đến lượt xuống bến lấy cát và sau đó sẽ di chuyển lên tuyến đê phòng chống lũ lụt của tỉnh Hưng Yên, để chở đi tiêu thụ. Hầu hết những chiếc xe này đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng và chở quá tải.
Trong quá trình theo dõi nhiều ngày tại đây, PV ghi nhận hoạt tại bãi tập kết, trung chuyển cát trái phép này khá rầm rộ ngay giữa ban ngày, với sự ra vào tấp nập của các phương tiện. Tuyệt nhiên lại không hề thấy sự xuất hiện kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương đối với những hoạt động trên.
Liên quan đến những vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục Phó Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lũ bão Hưng Yên. Ông Minh cho biết, tại vị trí này “chưa được cấp phép lập bến bãi tập kết, không được cấp phép thành lập bến thủy nội địa. Tại vị trí này, trước đây có cá nhân người ta tự phát làm ra bãi này. Những năm gần đây, chỗ này đã giải tỏa và không còn bến bãi nữa".
Ông Minh cho biết thêm: “Ngày 15/10, Hạt Quản lý đê huyện Khoái Châu cùng với UBND xã đã lập biên bản và trao đổi với cá nhân này thì người ta đã rút máy đi. Sau đó vài ngày, Hạt Quản lý đê lại phát hiện bãi tập kết này hoạt động trở lại. Hạt Quản lý đê đã có báo cáo với UBND huyện. Huyện đã có văn bản chỉ đạo xã giải quyết việc này dứt điểm”.
Ông Minh cũng cho biết, trong tháng 10 đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu chấm dứt hành vi hoạt động tại tập kết, trung chuyển cát trái phép này đối với cá nhân ông Lê Văn Ngọc. Tuy nhiên, sang tháng 11 tại bãi tập kết này lại có một cá nhân khác đứng ra tiếp tục hoạt động trái phép tại khu vực này.
“Sang tháng 11, người này mang các cọc gỗ ra đóng để làm vị trí đỗ máy xúc, Hạt Quản lý đê đã phát hiện và phối hợp với xã lập biên bản hành chính và chuyển sang cho huyện phạt hành chính và giải tỏa”, ông Minh cho biết.
Tuy nhiên, ngày 13/11/2021, PV tiếp tục ghi nhận những hoạt động ở khu vực bãi tập kết, trung chuyển trái phép này khá rầm rộ như chưa hề bị kiểm tra, quản lý nào của cơ quan chức năng. Tình trạng trên trái ngược hoàn toàn với câu trả lời của ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục Phó Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lũ bão Hưng Yên vào ngày 12/11/2021.
Lo ngại về tình trạng, mỗi ngày thường xuyên có những chiếc thuyền lớn tập kết và hàng chục chiếc xe tải chở cát có dấu hiệu quá tải di chuyển từ bến bãi lên tuyến đê sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và đảm bảo an toàn của tuyến đê phòng chống lũ của tỉnh Hưng Yên, PV đã đặt câu hỏi và được ông Minh cho biết: “Việc vận chuyển cát ở các điểm có phép thì sẽ quản lý được trọng tải của xe ra khỏi bến, bản thân đê Hưng Yên là đê kết hợp làm đường giao thông (tỉnh lộ 378) nên về chế tài thì không kiểm soát được, Chi cục đã tham mưu cho Sở có văn bản chỉ đạo huyện để xử lý và giải tỏa”.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có đang buông lỏng quản lý, điều này vô tình tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng kẽ hở, sự bất lực trong công tác kiểm tra, quản lý địa bàn để hoạt động trái phép, gây ảnh hường trực tiếp đến đời sống, tính mạng của người dân?.
Trao đổi sự việc trên với Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật Trung Hòa, Luật sư Tùng cho biết, tình trạng khai thác hay lập bến bãi vận chuyển các vật vật liệu cát, sỏi… là tình trạng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương. Do nhu cầu xây dựng tăng cao và lợi nhuận lớn, vì vậy những năm qua, đây luôn là vấn đề “nóng” dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông thì tổ chức, cá nhân được phép khai thác hoặc kinh doanh cát, sỏi khi tập kết cát, sỏi lòng sông sau khai thác tại các bến, bãi phải đáp ứng các yêu cầu: Khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Trường hợp bến, bãi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đến đê điều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều; Phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.
Như vậy, để có thể tập kết cát, sỏi một cách hợp pháp thì cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh phải bảo đảm theo các yêu cầu trên của pháp luật. Luật đã quy định rõ ràng, thậm chí ở nhiều địa phương, các cơ quan ban ngành quản lý liên quan còn ban hành các văn bản nội bộ để quản lý chặt chẽ tình trạng này ở địa phương của mình. Để xảy ra tình trạng lặp đi lặp lại, không triệt để việc xử lý vi phạm các bãi tập kết cát sỏi không có giấy phép tại đê huyện Khoái Châu, cơ quan chức năng phải là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này như: UBND các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lũ bão Hưng Yên, Sở Giao thông vận tải…
Theo Luật sư Tùng, không thể nói “bản thân đê Hưng Yên là đê kết hợp làm đường giao thông (tỉnh lộ 378) nên về chế tài thì không kiểm soát được". Vấn đề phòng chống bão lụt là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng của quốc gia do nước ta có địa hình phức tạp và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường. Vì vậy, việc bảo đảm an ninh đê điều tại các cửa sông lớn phải được chú trọng hàng đầu, quan tâm thường xuyên, xử lý triệt để và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.