Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 01/05/2024 09:25 (GMT+7)

Hơn 63.300 tỷ đồng cho phát triển đô thị TP.Sơn La đến năm 2030

Theo dõi GĐ&PL trên

HĐND tỉnh Sơn La mới đây đã ban hành Nghị quyết số 315/NQ-HĐND ngày 17/4/2024 thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Sơn La đến năm 2030.

Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đến năm 2030 khoảng 63.355 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn đến 2025, dự kiến khoảng 13.418 tỷ đồng; giai đoạn đến năm 2030 dự kiến khoảng 49.937 tỷ đồng.

tm-img-alt
Thành phố Sơn La. Ảnh: IT.

Mở rộng địa giới hành chính thành phố Sơn La

Chương trình nhằm phát triển đô thị thành phố Sơn La phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Quốc gia; định hướng quy hoạch hệ thống đô thị trong Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Sơn La đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của thành phố nhằm khai thác tối đa các động lực phát triển đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển đô thị thành phố Sơn La từng bước nâng cao chất lượng diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc gắn với bảo vệ môi trường, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng, trung tâm kinh tế vùng và là đô thị trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc về giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ.

Huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị; từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn kết nối các khu vực phát triển đô thị hoàn chỉnh, thúc đẩy sự phát triển của đô thị theo từng giai đoạn phát triển;

Từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng đô thị, kết hợp quản lý quy hoạch đô thị gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc, tăng cường sức cạnh tranh trong tỉnh và vùng làm cơ sở cho việc phân loại đô thị, xác định lộ trình đầu tư phát triển đô thị các khu vực ưu tiên phát triển đô thị; triển khai các giải pháp và nhiệm vụ thực hiện cho từng giai đoạn nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư vào mục tiêu xây dựng đô thị. Đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành, nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí đô thị loại II còn thiếu và yếu; đến năm 2030 hướng tới cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh…

Theo Chương trình, dự kiến mở rộng địa giới hành chính thành phố Sơn La bao gồm 07 phường và 05 xã hiện trạng và khu vực mở rộng mở rộng thành phố gồm 04 xã (Chiềng Mung, Chiềng Ban, Hát Lót, Mường Bon) của huyện Mai Sơn, diện tích phần mở rộng về huyện Mai Sơn là khoảng 5.222 ha (trừ diện tích khoảng 14,15 ha của Trạm Ra đa 37 thuộc địa giới hành chính của xã Chiềng Mung huyện Mai Sơn do phần diện tích này dự kiến sẽ chuyển về địa giới hành chính của xã Mường Bon, huyện Mai Sơn).

Tổng đơn vị hành chính thuộc thành phố dự kiến sau khi mở rộng địa giới hành chính là 13 đơn vị, gồm: 04 xã (Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Chiềng Cọ, Chiềng Đen); 09 phường (07 phường hiện trạng (Chiềng An, Tô Hiệu, Chiềng Lề, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Cơi, Chiềng Sinh); trong đó, phường Chiềng Sinh sáp nhập thêm một phần diện tích của xã Chiềng Ban và 02 phường mới (01 phường gồm toàn bộ hiện trạng xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn hiện nay và một phần của xã Hát Lót; 01 phường Hua La).

Các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên

Giai đoạn đến năm 2025: Tập trung đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh đô thị với các khu vực nội thị hiện hữu; ưu tiên phát triển các hướng phía Đông Bắc, Tây Nam và hướng Nam, chủ yếu bám theo các tuyến giao thông đối ngoại chính (QL6, Sơn La - Hát Lót; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; QL279D ...). Cụ thể:

Theo hướng Chiềng Cơi - Chiềng Xôm: Phát triển hai bên bờ suối Nậm La đoạn từ cầu Coóng Nọi đến hết địa giới hành chính phường Chiềng An.

Theo hướng Chiềng Sinh - Nà Sản: Phát triển dọc hai bên tuyến đường Quốc lộ 6.

Theo hướng Quyết Thắng - Chiềng Ngần - Chiềng Sinh: Phát triển hai bên đường Chiềng Ngần - Chiềng Sinh; các đoạn từ phường Tô Hiệu đến hết địa giới hành chính phường Quyết Thắng và đoạn từ bản Ka Láp đến đường Lê Duẩn.

Theo hướng Tây Nam: Trục Quốc lộ 6 (tuyến tránh thành phố), gắn với khu đô thị phía Tây Nam thành phố.

Theo hướng Đông Bắc: Phát triển khu vực hồ Tuổi trẻ, phường Chiềng Lề và phường Chiềng An.

Vùng phát triển mở rộng đô thị: Chủ yếu về phía Đông Nam, khu vực Chiềng Sinh, Chiềng Mung, Hát Lót và Khu đô thị Chiềng Ngần.

Vùng bảo vệ sinh thái: Phía Tây, phía Bắc - xã Chiềng Đen, xã Chiềng Xôm và xã Chiềng Ngần.

Vùng nông nghiệp sinh thái: Phía Nam, khu vực Hát Lót, Chiềng Mung, Chiềng Ban, Hua La.

Giai đoạn 2026 – 2030: Phát triển theo hướng Nam, Đông Nam theo định hướng mở rộng đô thị Thành phố theo đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2045 dọc theo tuyến đường QL6; tập trung hình thành đầu mối giao thông kết hợp với các hoạt động kinh tế phụ trợ tại khu vực Cảng hàng không Nà Sản.

Các chương trình, dự án trọng điểm ưu tiên

Việc xác định các dự án trọng điểm ưu tiên dựa trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2045, các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các dự án công trình mang tính đột phá, lan tỏa để tập trung thu hút đầu tư, từng bước xây dựng, phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I; kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn của tỉnh Sơn La, của thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn (thuộc phạm vi mở rộng địa giới thành phố).

Danh mục các dự án đề xuất làm cơ sở để triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, trong đó đối với các dự án thực hiện trên phần diện tích mở rộng về phía huyện Mai Sơn khi chưa triển khai thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính sẽ do UBND huyện Mai Sơn thực hiện khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giai đoạn đến năm 2025: (1) Các dự án Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; (2) Phát triển đầu mối giao thông đường bộ tích hợp với phát triển cảng hàng không lưỡng dụng Nà Sản; (3) Xây dựng cụm Công nghiệp Hoàng Văn Thụ; (4) Mở rộng, hoàn thiện đầu nối tuyến đường đi khu công nghiệp Mai Sơn; (5) Nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu du lịch Hồ Tiền Phong; (6) Chỉnh trang mở rộng tuyến QL6 và phát triển các tuyến đường ngang; (7) Hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ cấp xã; (8) Khai thác du lịch cộng đồng hồ bản Mòng; (9) Hoàn thiện kết nối giao thông nông thôn với hệ thống đường đô thị; (10) Đầu tư xây dựng hạ tầng thoát và phòng chống lũ suối Nậm La; (11) Triển khai dự án thoát nước thải đô thị và trạm bơm giai đoạn 2; (12) di chuyển Trạm biến áp Sơn La 1 và mạng lưới 110kV ra ngoài nội thị; (13) Đầu tư nhà máy nước bản Mòng; (14) Cải tạo, nạo vét và thanh thải Suối Nậm La; (15) khu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn; (16) Công viên nghĩa trang thành phố.

Giai đoạn 2026 - 2030: (1) Thu hút đầu tư sân Golf 18 lỗ; (2) Khu du lịch hồ Tiền Phong; (3) Mở rộng Khu công nghiệp Chiềng Mung; (4) Phát triển trung tâm giao thương văn hóa vùng Tây Bắc; (5) Tuyến đường kết nối trục cảnh quan nối sân Golf, trung tâm thương mại với các khu vực phát triển kinh doanh sản xuất trên QL6; (6) Kêu gọi thu hút đầu tư tuyến cao tốc Mộc Châu - Sơn La và đường dẫn đi vào trung tâm thành phố; (7) Tuyến đường tránh QL6 từ Chiềng Mung đi đường 4G; (8) Khai thác sân bay Nà Sản (9); Khu vui chơi giải trí tại Chiềng Ngần; (10) Hoàn thiện đồng bộ nhà máy nước thải số 2, 3; (11) Xây dựng trạm biến áp 110kV Sơn La 2; (12) Nhà máy cấp nước từ nguồn cấp nước Hồ Chiềng Dong, huyện Mai Sơn.

Ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội phát triển, mở rộng đô thị

Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Sơn La khoảng 63.355 tỷ đồng. Trong đó:

Giai đoạn đến 2025, dự kiến khoảng 13.418 tỷ đồng (trong đó: Nguồn ngân sách trung ương khoảng 1.093 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương khoảng 3.278 tỷ đồng; nguồn vốn hợp pháp khoảng 9.047 tỷ đồng).

Giai đoạn đến năm 2030 dự kiến khoảng 49.937 tỷ đồng (trong đó: Nguồn ngân sách trung ương khoảng 5.687 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương khoảng 17.058 tỷ đồng; nguồn vốn hợp pháp khoảng 27.192 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư của các dự án/nhóm dự án sẽ được tính toán và xác định cụ thể trong từng giai đoạn tùy vào khả năng huy động nguồn vốn.

Về cơ cấu nguồn lực, nguồn ngân sách nhà nước có vai trò hết sức quan trọng để đầu tư các công trình thiết yếu, cấp bách, các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng mà khu vực tư nhân không đầu tư. Do nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp nên phải đẩy mạnh huy động các nguồn thu vào ngân sách sách nhà nước để đầu tư phát triển.

Tiếp tục thực hiện giải pháp tăng nguồn thu, rà soát lại các nguồn thu trên địa bàn, tập trung khai thác các nguồn thu mới, đặc biệt là thu từ các dự án phát triển quỹ đất, khu đô thị, nhà ở thương mại... để góp phần tăng thu ngân sách.

Đồng thời, tăng nguồn thu ngân sách thông qua việc tăng hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đối với những dự án trọng điểm có mục tiêu, phát sinh ngoài dự toán ngân sách nhưng rất cần cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ Trung ương...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, bảo đảm phát triển hài hòa giữa khu vực nội thị và ngoại thị.

Đối với nguồn lực ngoài Nhà nước, tiếp tục thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; nguồn lực từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ưu tiên thu hút các nguồn lực của xã hội phát triển khu vực phát triển, mở rộng đô thị, các dự án thu hút đầu tư, phát triển và chỉnh trang đô thị.

Thu hút đầu tư vào các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ phát triển các khu đô thị, sản xuất nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm xây dựng và đưa vào khai thác các dự án lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố: các nhà máy trong khu công nghiệp; dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; sân golf; các dự án cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nhà ở thương mại...

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, triển khai có hiệu quả phương thức “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm” để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; asphalt đường bê tông nội tổ, bản khu vực nội thị; thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

Với nguồn vốn nước ngoài, tập trung thu hút trong thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA; phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh vận động các đối tác, các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình về giao thông, cấp thoát nước, nước sạch vệ sinh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cùng chuyên mục

Tin mới