Hôm nay, quầng mặt trời xuất hiện ở nhiều nơi: Có bất thường không?
Hiện tượng quầng mặt trời rực rỡ xuất hiện trên bầu trời Lạng Sơn và một số địa phương khác trong sáng 12/5 khiến người dân thích thú, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Hôm nay (12/5), bầu trời Lạng Sơn xuất hiện hiện tượng quầng mặt trời rực rỡ, thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều người nhanh chóng chia sẻ hình ảnh cùng dòng trạng thái hào hứng: "Bầu trời Lạng Sơn lúc này đẹp ngỡ ngàng với quầng mặt trời và những vòng hào quang rực rỡ".


Không chỉ ở Lạng Sơn, cư dân tại một số địa phương khác cũng ghi nhận hiện tượng tương tự và đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội. Sự kiện này khiến nhiều người tò mò, thắc mắc liệu đây có phải là dấu hiệu của điều gì đặc biệt.


Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) – cho biết quầng mặt trời thường xuất hiện khi tầng cao của khí quyển có nhiều mây ti tầng, dấu hiệu của sự nhiễu loạn trong khí quyển và thời tiết có thể thay đổi đột ngột. Ông cũng nhấn mạnh, hiện tượng này không hiếm gặp ở Việt Nam, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Theo thông tin từ Sức khỏe & Đời sống, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) gọi hiện tượng này là “quầng sáng 22 độ”, do vòng sáng có bán kính khoảng 22 độ so với mặt trời hoặc mặt trăng. Hiện tượng xảy ra khi có sự hiện diện của các đám mây ti tầng mỏng ở độ cao từ 6 km trở lên, chứa hàng triệu tinh thể băng li ti. Khi ánh sáng mặt trời đi qua các tinh thể này, nó bị khúc xạ và phản xạ, tạo nên vòng sáng ấn tượng quanh mặt trời.
Trang Earth Sky cho biết thêm, tuy hiện tượng quầng mặt trời rất đẹp và đáng chiêm ngưỡng, người dân cần thận trọng khi quan sát hoặc chụp ảnh. Việc nhìn trực tiếp vào mặt trời mà không có dụng cụ bảo vệ phù hợp có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho mắt. Các chuyên gia khuyến cáo không nên nhìn thẳng vào mặt trời, kể cả khi nó bị che mờ bởi mây hoặc sương.