Hòa Thạch, Quốc Oai: Ngang nhiên chiếm lòng hồ, chính quyền bất lực?
Tự ý ép cọc, đổ đất, xây tường bao... lấn chiếm lòng hồ, gây ảnh hưởng đến môi trường sống người dân là những gì đang xảy ra tại hồ Sốc 2, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Ngang nhiên lấn chiếm lòng hồ
Thời gian qua, một số hộ dân xung quanh hồ Sốc 2, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội đã tự ý ép cọc, đổ đất san lấp, xây tường bao nhằm “phù phép” đất lòng hồ thành tài sản riêng để phục vụ cho mục đích cá nhân.
Bên cạnh đó, có gia đình còn đổ đất thải xây dựng tràn ra lòng hồ thành bãi nổi để chăn nuôi vịt, gây mất mỹ quan, mất vệ sinh môi trường, bức xúc trong nhân dân.
Tình trạng lấn hàng trăm m2 lòng hồ Sốc 2 không được xử lý triệt để, dẫn đến phát sinh nhiều vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn (đổ đất đá san lấp và xây tường bao). |
Theo tài liệu mà phóng viên có được, thời gian vừa qua, UBND xã Hòa Thạch đã ra quyết định “xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai” và yêu cầu trả lại nguyên hiện trạng lòng hồ đối với 03 hộ gia đình.
Cụ thể, tại quyết định xử phạt số 245 ngày 1/12/2020, do UBND xã Hòa Thạch cung cấp cho phóng viên cho thấy: diện tích đã san lấp xây dựng, lấn hồ Sốc 2 của ông Nguyễn Văn Hiến là 331,9m2. Mức xử phạt với nhà ông Hiến là bốn triệu đồng.
Cùng với đó là quyết định số 04 xử phạt ông Trương Văn Tráng ngày 26/2/2021 là 1.5 triệu đồng; quyết định số 263 xử phạt ông Trương Văn Bình ngày 18/12/2021 là ba triệu đồng.
Một trong những quyết định “xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai” của UBND xã Hòa Thạch. |
Quyết định xử phạt yêu cầu các bên vi phạm thực hiện khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng trước khi vi phạm và thực hiện việc nộp phạt tại ban tài chính- kế toán xã hoặc kho bạc nhà nước huyện Quốc Oai trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định được ban hành. Có trách nhiệm nộp bản sao chứng từ nộp phạt cho UBND xã Hòa Thạch, để chứng minh hoàn thành nộp phạt... Nếu quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Chính quyền ra quyết định xử phạt cho có, hay là bất lực trong xử lý vi phạm?
Thế nhưng kết quả xử lý vi phạm của UBND xã Hòa Thạch lại không được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm theo văn bản đã ban hành.
Tình trạng tổ chức san lấp, xây dựng, lấn chiếm lòng hồ Sốc 2 tại thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội. |
Thực tế của Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ngày 18/3/2021 cho thấy những vi phạm trên vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận và không được chính quyền xã Hòa Thạch xử lý một cách triệt để.
Tại buổi làm việc với Phóng viên ngày 31/3/2021 về tình trạng lấn chiếm hồ Sốc 2, ông Đỗ Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết: có ba hộ gia đình vi phạm là nhà ông Trương Văn Bình, nhà ông Trương Văn Tráng và nhà ông Nguyễn Văn Hiến. Riêng đối với nhà ông Hiến thì đã khắc phục.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về hướng xử lý với 02 hộ còn lại là nhà ông Bình và ông Tráng thì ông Dương khẳng định: “Cái này thì chúng tôi sẽ tiến hành múc bỏ thôi. Không có vấn đề gì cả”. Ông Dương cũng cho biết sang tuần sẽ thực hiện và đồng ý cho phóng viên tham gia đưa tin cùng.
Chờ mãi mà không nhận được hồi âm nên ngày 7/4/2021, phóng viên gọi điện xin ý kiến chủ tịch xã Hòa Thạch Đỗ Văn Dương về hướng xử lý. Và ông Dương cho biết là đang thực hiện. Nhưng khi phóng viên tiếp cận hiện trường thì phần đất đá mà ông Bình đổ xuống lòng hồ thành bãi để chăn nuôi vịt được làm qua loa theo hình thức: cào ngọn, tản ra cho thấp và rộng thêm. Còn bức tường rộng bao lấn chiếm vẫn đứng sừng sững mà không hề được xử lý.
Đặc biệt, khu lấn chiếm hơn 300 m2 của nhà ông Nguyễn Văn Hiến vẫn chưa được khắc phục triệt để như lời khẳng định của ông Đỗ Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch:“Riêng đối với nhà ông Hiến thì đã khắc phục”. Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, hình ảnh chân kè vẫn không được tháo dỡ hết và trả lại nguyên trang theo như quyết định xử phạt của UBND xã Hòa Thạch.
Ông Nguyễn Văn Hiến vi phạm lấn chiếm 331,9m2 lòng hồ Sốc 2, nhưng vẫn không bị chính quyền xã Hòa Thạch xử lý nghiêm. |
Mặt khác, khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ xử lý vi phạm thì UBND xã Hòa Thạch không cung cấp được hồ sơ, cũng như biên lai nộp phạt của hai hộ ông Trương Văn Bình và ông Nguyễn Văn Hiến. Qua đây đã phần nào thể hiện sự thiếu cương quyết của chính quyền xã Hòa Thạch trong công tác giám sát, xử lý vi phạm tại địa phương, dễ tạo tiền lệ xấu cho hành vi vi phạm khác, gây bức xúc trong nhân dân.
Không đồng tình với cách giải quyết của xã Hòa Thạch, PV đã đặt lịch và liên hệ làm việc với UBND huyện Quốc Oai. Tại buổi làm việc với phóng viên ngày 9/4/2021, ông Phạm Quang Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện cũng vừa rồi một số các trường hợp mới phát sinh ấy, thì cũng có cái chỉ đạo và khi chỉ đạo ấy thì cũng đã tổ chức thực hiện. Cũng như các bạn ngồi ở đây nói thì nó chưa triệt để, đúng không. Thì nội dung này thì UBND huyện sẽ tiếp tục ra quy định. Thứ nhất là xử lý triệt để, dứt điểm các phát sinh, vi phạm mới, vừa là để thực hiện nghiêm, hai là để tuyên truyền người dân chia sẻ với chính quyền để bảo vệ thiên nhiên, cũng như bảo vệ quy định của pháp luật để thực hiện đúng trong công tác quản lý đất đai”.
Qua chia sẻ của ông Phạm Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, thì người dân có thể hoàn toàn tin tưởng việc chỉ đạo, xử lý triệt để vi phạm tại hồ Sốc 2?
Từ những sự việc trên, kính đề nghị lãnh đạo huyện Quốc Oai và Thành phố Hà Nội vào cuộc làm rõ trách nhiệm quản lý địa phương của xã Hòa Thạch. Qua đó kịp thời chấn chỉnh để không còn tình trạng lấn chiếm lòng hồ Sốc 2, tránh tình trạng bao che, thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm tại xã Hòa Thạch.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!
Hành vi san lấp lòng hồ Sốc 2 đã vi phạm Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoảng sản. Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 24 của Nghị định trên, hành vi san lấp hồ, ao, đầm, phá nằm trong danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp do cơ quan có thẩm quyền ban hành bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả bằng cách khôi phục hiện trạng ban đầu.