Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 16/12/2020 07:11 (GMT+7)

Hàng loạt câu hỏi cần chủ đầu tư thủy điện Sông Giang giải trình

Theo dõi GĐ&PL trên

Đánh đổi hàng trăm hecta rừng nhưng không mang lại hiệu quả, dự án thuộc cụm thủy điện Sông Giang còn vướng nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất..

Bài học kinh nghiệm từ Sông Giang 2

Dự án Sông Giang 1 có GCNĐT do UBND tỉnh cấp lần đầu ngày 19/5/2011, tiến độ thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013, mục tiêu hòa vào lưới điện quốc gia với quy mô công suất khai thác lắp máy 12 MW; diện tích sử dụng đất lên đến 276,15 ha (nay điều chỉnh còn 210 ha).

Một phần dự án "treo" - thủy điện Sông Giang 1.

Nhưng số phận “long đong” của dự án tốn bạt ngàn đất rừng này khiến nó không thể về đích đúng tiến độ. Theo tìm hiểu của PV, ở lần thay đổi lần GCNĐT thứ nhất ngày 29/6/2015 và khi đổi sang GCN đăng ký đầu tư lần đầu năm 2017 thì thời hạn hoàn thành bị đẩy tới năm 2018, nghĩa là lệch 5 năm so với ban đầu.

Tuy vậy, 2018 chưa phải cột mốc chậm trễ cuối cùng vì cũng trong năm 2017, Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang lại đề nghị giãn tiến độ. Đề nghị này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa chấp thuận. Theo quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời hạn thực hiện dự án sau khi được chấp thuận giãn tiến độ là hoàn thành thi công xây dựng toàn bộ dự án, đưa vào hoạt động trước ngày 30/9/2021.

Thuộc cụm thủy điện Sông Giang, Dự án Sông Giang 2 sau 6 lần thay đổi GCNĐT và chậm trễ tiến độ mới có thể đưa vào hòa mạng lưới điện, diện tích đất sử dụng là 240 ha. Trong khi đó, bản thân đơn vị Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thủy điện Sông Giang cũng gặp nhiều bất ổn khi thay đổi ĐKKD tới cả chục lần kể từ khi thành lập năm 2005. Một nguồn tin của PV cho biết, hồi đầu tháng 12/2020, Chủ đầu tư này lại có thay đổi, người đại diện pháp luật là một người nước ngoài.

Vấn đề là nếu tình trạng chậm trễ, thay đổi liên tục như trên còn kéo dài, nghĩa là hàng trăm ha rừng đã bị đánh đổi nhưng không mang lại bất kỳ một lợi ích nào, đó là sự lãng phí khủng khiếp. Để xảy ra tình trạng này, ngoài Chủ đầu tư, cũng cần đặt câu hỏi về năng lực quản lý của các đơn vị quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa.

Khác với Sông Giang 1, dự án thủy điện Sông Giang 2 đã được đưa vào sử dụng năm 2014. Nhưng ở đây cũng nảy sinh nhiều vấn đề về sử dụng, quản lý tài nguyên đất và rừng. Theo tìm hiểu của PV, hiện Sông Giang 2 có phần diện tích 31,32ha chưa hoàn thiện hồ sơ nhưng đã đưa vào sử dụng. Cụ thể, diện tích này chưa có hợp đồng cho thuê đất, chưa có GCNQSDĐ. Ngoài ra căn cứ theo tài liệu mà PV thu thập được, hiện tại đập có tới 12ha ngập nước ngoài phạm vi dự án, phần phát sinh này chưa được Chủ đầu tư giải trình, báo cáo.

Cần nhấn mạnh rằng Sông Giang 1 và Sông Giang 2 đều thuộc cụm thủy điện Sông Giang, văn bản 7100 của Bộ Công thương cũng đề nghị Khánh Hòa xem xét đồng loạt cả 2 dự án. Do đó, nếu vấn đề vướng mắc ở Sông Giang 2 chưa được giải quyết thì đồng nghĩa với Sông Giang 1 không thể được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch. Vì vi phạm diễn ra ở Sông Giang 2 chính là bài học kinh nghiệm nhãn tiền thiết thực nhất đối với tình trạng mất đất, mất rừng ở cụm dự án thủy điện này.

Nhiều sở - ngành chậmgửigóp ývề Sở Công thương

Ngày 13/11, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Sở Công Thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường về trả lời nội dung do Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đề nghị cung cấp (ngày 10/11), đây là những thông tin liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch thủy điện Sông Giang và phục hồi rừng phòng hộ tại rừng Khánh Vĩnh.

Văn bản do lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ký có nêu cụ thể, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn... nghiên cứu và thực hiện việc cung cấp thông tin cho báo chí theo Nghị định 09/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, yêu cầu của lãnh đạo tỉnh vẫn chưa được các Sở hoàn tất. Trong thời gian đó, PV cũng nhiều lần chủ động liên hệ, nhưng đều chỉ nhận được sự “từ chối khéo” bằng nhiều lý do mà các vị Giám đốc Sở viện dẫn.

Cần nói rõ, những nội dung mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tìm hiểu bao gồm việc quản lý, bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng.. là một phần trong quan điểm, mục tiêu chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia của chính phủ, cần được phản ánh một cách minh bạch, rõ ràng.

Đáng lưu tâm trong số đó là về phần diện tích lòng hồ bị lấn ngoài phạm vi diện tích được cấp tại thủy điện Sông Giang 2. Phần diện tích còn thiếu một số thủ tục cần thiết nhưng đã và đang được Chủ đầu tư sử dụng. Hay như cần đánh giá thiệt hại về rừng, môi trường nếu dự án Sông Giang 1 được điều chỉnh.. như đã nêu ở trên.

Phải rất khó khăn, PV mới gặp được một đại diện của Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa. Nhưng dù là đại diện đơn vị chủ trì tổng hợp góp ý, làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh, vị này cũng không dám chắc khi nào nội dung báo cáo sẽ được hoàn thiện. Nguyên nhân là còn nhiều đơn vị chưa gửi góp ý về sở.

Được biết, hiện mới có Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài Chính và EVN Khánh Hòa là có phản hồi gửi Sở Công thương. Tuy nhiên, đối với đề nghị cung cấp nội dung các báo cáo này, đại diện Sở Công thương từ chối.

Trụ sở Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa.

Bởi vai trò chủ chốt trong giải đáp lo ngại về tài nguyên rừng, tài nguyên đất thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, nên PV cũng rất nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở nhưng đều được yêu cầu qua văn phòng. Ngày 10/11, PV gửi nội dung làm việc theo yêu cầu của ông Đồng. Ngày 9/12, sau nhiều ngày không nhận được phản hồi, PV liên hệ lại với vị Giám đốc Sở thì ông này một lần nữa yêu cầu PV gửi thông tin ở Văn phòng Sở!?

Phải tới khi PV trở lại văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường để xác nhận lại nội dung mà PV gửi đến Sở có tới được lãnh đạo sở hay không, ông Phó Chánh văn phòng mới trả lời, “Đã giao cho Chi cục đất đai và Chi cục môi trường, nhưng hiện các đơn vị này chưa có báo cáo”.

Trong văn bản gửi xuống các Sở, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu thực hiện, hoàn thành và báo cáo về tỉnh trước ngày 15/12, nhưng với tình hình hiện tại, việc hoàn thiện báo cáo sẽ không kịp diễn ra đúng thời hạn.

Kiểm soát chặt chẽ rừng tự nhiên

Xoay quanh đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Sông Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản phúc đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Cụ thể, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, Bộ Công thương lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cần thiết, tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nhận của Bộ Công thương, do đó chưa có ý kiến về nội dung điều chỉnh quy hoạch tại dự án thủy điện Sông Giang.

Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là kiểm soát chặt chẽ rừng tự nhiên, chỉ chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt; giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có các dự án phát triển thủy điện.

Cùng chuyên mục

Nutifood hoàn tất đầu tư vào Kido Foods, nắm giữ 51% cổ phần
Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư vào Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods), sở hữu 51% cổ phần. Thương vụ này giúp Nutifood hoàn thiện thêm chuỗi cung ứng sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi của người tiêu dùng Việt.
Đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường thiệt hại do bão số 3
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính vừa đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng.
6 thương hiệu chủ chốt của Vingroup được vinh danh trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024
Ngày 6/9/2024, công ty định giá thương hiệu uy tín toàn cầu Brand Finance công bố báo cáo về 100 thương hiệu giá trị nhất và mạnh nhất Việt Nam năm 2024. Trong đó, lần đầu tiên 6 thương hiệu chủ chốt thuộc hệ sinh thái Vingroup gồm Vinhomes, Vinpearl, Vincom Retail, VinFast, Vinschool, Vinmec đồng loạt được vinh danh trong Top 100, khẳng định sức mạnh và sự phát triển không ngừng của Tập đoàn đa ngành hàng đầu khu vực.

Tin mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giảm giá vé tàu xe công cộng cho học sinh, sinh viên
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất học sinh, sinh viên được giảm giá vé tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà; học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.