Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 27/08/2021 16:40 (GMT+7)

Hải Phòng: Không còn bữa ăn ngon vì… trang trại lợn

Theo dõi GĐ&PL trên

Từ lâu rồi chúng tôi ăn cơm không biết ngon, làm sao có thể ăn ngon miệng khi mùi hôi thối từ trang trại lợn cứ xộc thẳng vào mũi, lấn át hết mùi vị của thức ăn

Đã từ lâu, ngót 200 hộ dân sống gần các trang trại nuôi lợn tại thôn Thiết Tranh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng) không còn được biết đến một bữa cơm ngon miệng vì bị mùi xú uế phát ra từ những trang trại nuôi lợn gia công ở địa phương này tấn công.

“Tra tấn” từ bữa ăn đến giấc ngủ

Gọi chồng, con xuống nhà ăn bữa cơm chiều, chị N.T.H., (thôn Thiết Tranh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo) không quên đóng vội tất cả các cửa sổ, cửa ra vào, khởi động hệ thống quạt…rồi mới từ từ ngồi xuống đơm cơm cho các thành viên.

Nét mặt căng thẳng, chị H. than thở: “Từ lâu rồi chúng tôi ăn cơm không biết ngon, làm sao có thể ăn ngon miệng khi mùi hôi thối từ trang trại lợn cứ xộc thẳng vào mũi, lấn át hết mùi vị của thức ăn. Nhiều khi, chúng tôi cũng chẳng biết mình đang ăn cơm với cái gì nữa”.

Hải Phòng: Không còn bữa ăn ngon vì …trang trại lợn
Nước mặt tại cống Thiết Tranh khu vực cạnh trại lợn đóng váng, đen kịt như nước ao tù.

Quá bức xúc vì hằng ngày phải sống chung với ô nhiễm từ các trại nuôi lợn gia công, một số người dân thôn Thiết Tranh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Dung-Trưởng thôn Thiết Tranh, xã Vĩnh An cho hay, người dân đã kiến nghị địa phương một vài lần về tình trạng xả thải gây ô nhiễm của các trang trại lợn trên địa bàn nhưng chưa có kết quả.

Tôi được biết, huyện lập đoàn thanh tra liên ngành hơn 1 tháng nay nhưng chưa thấy trả lời dân, chưa có kết luận gì. 12 trang trại này không một trang trại nào đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường. Hệ thống biogas tê liệt, toàn bộ hệ thống phun sương khử mùi cũng hỏng. 100% trang trại không đảm bảo tiêu chuẩn để nuôi và 100% trang trại đều nuôi vượt số đầu lợn”, ông Dung quả quyết.

Cũng theo ông Dung, người dân địa phương hoàn toàn nhất trí ủng hộ các hộ chăn nuôi làm kinh tế, có phần thu nhập cho nhà nước và bản thân những người đầu tư.

Tuy nhiên, “Những chất độc chúng tôi đang trực tiếp phải chịu, không những thế mà đến đời con đời cháu còn phát sinh ra những bệnh gì không ai biết được. Trong khi lợi nhuận thì chỉ 12 hộ thôi. Công ty CP “đẻ” nó ra, phải đầu tư cho nó, phải có giải pháp hỗ trợ, phối kết hợp với người chăn nuôi”, ông Dung bày tỏ.

Hải Phòng: Không còn bữa ăn ngon vì …trang trại lợn
Hải Phòng: Không còn bữa ăn ngon vì …trang trại lợn
Chất thải từ một trang trại lợn ở thôn An Cừ xả thẳng ra môi trường.

Đồng tình với quan điểm của ông Dung, ông Vũ Duy Chiến (65 tuổi, thôn Thiết Tranh) đánh giá, ngày con nước thì mùi hôi thối giảm, nhưng khi nước cạn, chất thải xả ra từ các trang trại lợn lộ rõ, bốc hơi nồng nặc. “Các chủ trang trại làm kinh tế, chúng tôi rất ủng hộ, nhưng phải làm thế nào để đảm bảo môi trường sống của người dân. Toàn bộ chất thải của hơn chục trang trại đổ hết ra cừ Thiết. Mùi của nó quá nặng, nhà tôi ở giữa làng mà không thở được, trời thì nóng mà đêm cũng phải đóng kín cửa”, ông Chiến phàn nàn.

Quan sát của phóng viên, hệ thống nước mặt tại mương nước khu vực xung quanh các trang trại nuôi lợn đóng váng, chuyển màu đen như nước ao tù. Đáng nói, một hộ chăn nuôi tại thôn An Cầu xả trực tiếp ra ao chứa, chất thải nổi lềnh phềnh, đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Chính quyền địa phương nói gì?

Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Vũ Trọng Quảng-Chủ tịch UBND xã thông tin, hiện có 14 hộ đang chăn nuôi lợn tập trung tại 2 thôn là Thiết Tranh và An Cầu, quy mô từ 600-900 con. Ông Quảng thừa nhận, phản ánh của bà con là có cơ sở. “Năm 2019-2020, do dịch tả lợn Châu Phi, các hộ dừng chăn nuôi. Đến năm 2020-2021, khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, các hộ đồng loạt tái đàn. Đến nay đang là thời điểm xuất chuồng, trọng lượng mỗi con lợn ban đầu từ 20-30kg đến gần ngày xuất chuồng lên đến hàng tạ nên chất thải sản sinh ra nhiều hơn”, ông Quảng nói.

Ông Quảng thông tin thêm, trước khi nhận được đơn phản ánh của bà con (tháng 8/2021), từ tháng 6/2021, chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với 14 hộ chăn nuôi. Đến ngày 12/8, UBND xã Vĩnh An có văn bản kết luận, theo đó, yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn phải sửa chữa, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, khôi phục ngay hệ thống dàn phun nước khử mùi phía sau quạt gió; nạo vét hệ thống xử lý nước thải ngay sau khi xuất lợn; có biện pháp che chắn, sử dụng chế phẩm vi sinh khử mùi nhằm giảm thiểu phát tán mùi hôi thối ra môi trường; kiểm tra hệ thống xử lý nước thải (biogas và các ao xử lý) đúng quy trình… Đáng chú ý, các hộ chăn nuôi chỉ được nhập lợn lại sau khi hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo quy định.

Hiện các trang trại đang khắc phục bằng cách khôi phục hầm biogas. Có 5 trại đã xuất lợn và thực hiện việc nạo vét hầm biogas, ao chứa phân, phun sương khử mùi. Trong thời gian tới, nếu vẫn để xảy ra tình trạng trên, địa phương sẽ báo cáo huyện và thành phố, đề xuất đóng cửa, chuyển đổi nuôi con vật khác”, ông Quảng khẳng định.

Về phản ánh của người dân, chính quyền xã Vĩnh An cho rằng, khó xác định được các hộ có nuôi vượt đầu lợn hay không do không thể tiếp cận đàn lợn vì lý do phòng dịch bệnh tả. Được biết, liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đất đai đối với các trang trại chăn nuôi lợn tập trung, ngày 16/7, UBND huyện Vĩnh Bảo đã có Quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại 2 xã là Vĩnh An và Tân Liên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sau khi có kết luận làm việc của UBND huyện Vĩnh Bảo về vấn đề trên.

Cùng chuyên mục

Tin mới