FAO: Tài trợ gần 44 triệu USD để giảm nguy cơ lũ lụt và hạn hán ở Somalia
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ngày 8/12 đã ký thỏa thuận trị giá 43,8 triệu USD để thực hiện dự án giảm nguy cơ lũ lụt và hạn chế hạn hán ở Somalia..
FAO cho biết dự án mang tên "Khôi phục các hệ sinh thái ven sông để thích ứng với khí hậu" (RESTORE) được xây dựng nhằm khôi phục hệ thống thủy lợi lớn ở hai khu vực thuộc bang Hirshabelle, nơi có hơn 1,5 triệu người sinh sống.
Dự án do Anh tài trợ, được FAO, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Tầm nhìn Thế giới quốc tế - Somalia, cùng Chính phủ Somalia phối hợp thực hiện nhằm mục đích giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, giảm căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên và tăng khả năng phục hồi của cộng đồng trước nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu.
Trong tuyên bố được đưa ra tại thủ đô Mogadishu, đại diện FAO tại Somalia - ông Etienne Peterschmitt - cho biết: “Dự án này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lũ lụt, giảm thiểu hạn hán, hỗ trợ sản xuất địa phương và tăng cường an ninh lương thực cho hàng triệu người dân dễ bị tổn thương trước những cú sốc và khủng hoảng tái diễn.”
Theo FAO, những cú sốc do khí hậu gây ra ngày càng thường xuyên như lũ lụt và hạn hán đe dọa cuộc sống và sinh kế ở Somalia. Tổ chức này nhấn mạnh các giải pháp mang tính chuyển đổi phải được xác định và thực hiện, để giải quyết những nhu cầu nói trên.
FAO công bố lộ trình bền vững hướng đến chấm dứt nạn đói
Bên cạnh đó, FAO mới đây cũng đã công bố lộ trình toàn cầu hướng đến xóa bỏ nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng, phù hợp với Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015.
Tuyên bố với tên gọi “Lộ trình toàn cầu hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) mà không vượt ngưỡng 1,5 độ C” đặt ra những cột mốc và mục tiêu hành động nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C theo cam kết trong Hiệp định Paris.
Lộ trình kêu gọi thực hiện những thay đổi mang tính chuyển đổi từ nay đến năm 2030 trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng và thực trạng 600 triệu người đang đối mặt với nạn đói kinh niên.
Cụ thể, trong ngắn hạn, lộ trình cam kết đến năm 2030 giảm 25% lượng khí thải methane từ các hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp so với mức của năm 2020 và đến năm 2035 đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Mục tiêu dài hạn của lộ trình bao gồm chuyển đổi hệ thống nông nghiệp hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050, có khả năng thu giữ 1,5 tỷ tấn khí thải nhà kính mỗi năm.
Đáng chú ý, tuyên bố cảnh báo việc chuyển đổi hệ thống lương thực và nông nghiệp, vốn rất quan trọng trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và mất an ninh lương thực, đang gặp rủi ro do nguồn tài trợ giảm.
Tuyên bố cũng bao gồm những nội dung được đề cập trước đó trong lộ trình được trình bày tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó đề ra 120 hành động trên 10 lĩnh vực như năng lượng sạch, rác thải thực phẩm, dinh dưỡng, chăn nuôi... nhằm dung hòa hệ thống thực phẩm với khí hậu.
Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn tài trợ cho khí hậu đối với chuyển đổi nông nghiệp trong việc duy trì hệ thống thực phẩm bền vững “cho tất cả mọi người trong hôm nay và ngày mai”.