Đông Anh: UBND xã Cổ Loa bị tố tự ý lập biên bản sai phạm với dân?
“Lập biên bản khi nào không biết, nội dung cũng không biết họ viết gì vào giờ lại gọi lên đưa cho biên bản vi phạm của mình..,”anh Hồng bức xúc.
Lập biên bản không giao cho người bị lập
Sau khi Môi trường và Đô thị Việt Nam phản ánh về việc lập biên bản vi phạm người dân không hề biết và không nhận được biên bản nào. Ấy vậy mà không lâu sau đó, một gia đình tại xã Cổ Loa, liên tục nhận được quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế.
Sau khi bài báo được phản ánh, ông Nguyễn Văn Hồng, trú tại xóm Gà, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội tiếp tục phản ánh về việc sau khi UBND xã Cổ Loa đến gia đình ông làm việc nhưng sau đó gia đình không hề nắm được biên bản lập khi nào, nội dung lập ra sao.
Như trước đó anh Hồng cho hay, sau mấy chục năm sinh sống và làm ăn tại nơi ở mình không ai đến hỏi han hay có ý kiến gì thì vào đầu năm 2021 UBND xã Cổ Loa đến lập biên bản là gia đình vi phạm chiếm đất nông nghiệp tại tại khu Đống Lủi và khu Ao rối, thôn Phố Chợ xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Và sau đó, UBND xã Cổ Loa đã ban hành biên bản vi phạm hành chính và quyết định biên bản vi phạm hành chính đối với gia đình ông. Đến ngày 16/6/2021, UBND xã Cổ Loa đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 215/QĐ-XPVPHC xử phạt ông về hành vi “làm lều, quán; xây dựng các công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi”. Ngày 28/6/2021, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa tiếp tục ban hành Quyết định số 237/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả.
Điều đáng nói ở đây, việc gia đình anh Hồng có vi phạm hay không, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Tuy nhiên, UBND xã Cổ Loa khi lập biên bản lại không có sự chứng kiến của anh Hồng, tự ý ghi biên bản rồi gửi lên UBND huyện.
Sau gần 8 tháng mới đưa biên bản làm việc
Sau khi báo chí và áp lực của gia đình thì vào ngày 4/8 UBND xã Cổ Loa đã gọi điện cho ông Hồng lên để đưa biên bản đã lập từ hồi đầu năm 2021. Theo ông Hồng cho hay: “Vào chiều 4/8 tôi nhận được điện thoại của cán bộ tư pháp bảo lên xã để lấy biên bản, tôi cũng chả biết biên bản nào nhưng vẫn cứ lên. Khi tôi lên được cán bộ tư pháp và địa chính cung cấp cho văn bản lập hồi đầu năm 2021. Hiện đã có biên bản giao nhận của cán bộ xã…”.
Tuy nhiên, theo anh Hồng thì khi nhận được biên bản về xem mới biết trong văn bản UBND xã tự ý ghi nội dung vào mà không thông qua gia đình. “Giấy ra làm việc thì ghi một đằng bây giờ văn bản lại ghi một nẻo. Tôi không hiểu lãnh đạo xã này làm việc kiểu gì nữa…,” anh Hồng bức xúc.
Cũng theo anh Hồng, hiện gia đình chúng tôi đang rất bức xúc và đề nghị cơ quan thẩm quyền nhanh chóng giải quyết và công tâm trong việc giải quyết đơn khiếu nại của tôi. Nếu gia đình tôi có vi phạm, kính đề nghị Quý cơ quan trả lời cho tôi biết rõ:
UBND xã Cổ Loa căn cứ theo tài liệu nào để xác định đâu là mốc giới vị trí bờ kênh cũ, bắt đầu từ đâu là vị trí gia đình tôi được sử dụng theo giấy mượn đất năm 1996? Bản đồ hiện trạng diện tích đất gia đình tôi đang sử dụng tại khu Đống Lủi, thôn Phố Chợ, xã Cổ Loa thể hiện vị trí mốc giới của bờ kênh, vị trí mốc giới diện tích đất gia đình tôi đang sử dụng được xác định căn cứ trên tài liệu nào??
Trong khi đó, cùng khu đất của tôi còn nhiều hộ khác cũng đang sử dụng với mốc giới, vị trí xây dựng dọc con sông cũng tương tự đất gia đình tôi đang sử dụng. Nếu việc gia đình tôi sử dụng đất như hiện tại là vi phạm, nằm trong diện tích đất bảo vệ công trình thuỷ lợi, vậy thì các hộ xung quanh có vi phạm không? Tại sao không bị cơ quan nhà nước xem xét, xử lý đồng thời? Tại sao lại chỉ nhắm vào gia đình tôi? Liệu có nguyên nhân sâu sa gì đằng sau chăng?
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về vụ việc này Luật sư Đinh Nguyên thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nêu quan điểm: Thứ nhất, về thời điểm lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính: Theo quy định của Luật khiếu nại “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật” – điểm s khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, nếu gia đình anh Hồng lấn, chiếm đất như các biên bản vi phạm hành chính đã lập, các Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đã nêu thì đây thực sự là sai phạm rất lớn và rất rõ ràng. Nhưng tại sao gia đình anh Hồng sử dụng đất gần ba mươi năm nay không có cơ quan nào xem xét, xử phạt mà giờ mới xem xét xử lý.
Thứ hai: Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 quy định “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản”. Tuy nhiên, anh Hồng cho biết tháng 01/2021, UBND xã Cổ Loa đã lập 02 biên bản vi phạm hành chính đối với việc sử dụng đất tại khu Đống Lủi và khu Ao Rối, thôn Phố Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội nhưng sau đó anh Hồng không được giao các Biên bản vi phạm này. Sau khi đơn thư phản ánh về vấn đề này, ngày 4/8/2021, UBND xã Cổ Loa mới gửi anh Hồng 02 Biên bản vi phạm nói trên.
Cũng theo Luật sư Nguyên, về việc anh Hồng khẳng định rằng: Ngày 18/1/2021 anh Hồng cho biết có cán bộ đến làm việc liên quan đến việc gia đình anh sử dụng đất nhưng anh Hồng không thấy lập biên bản, cũng không có việc anh Hồng được đọc cho nghe biên bản nhưng tại phần cuối các biên bản đều ghi “ông Nguyễn Văn Hồng có mặt, đã được nghe thông qua biên bản nhưng không ký tên vào biên bản, không nhận biên bản”. Nếu sự việc anh Hồng trình bày là đúng thì việc lập biên bản, ghi thông tin khống trong biên bản vi phạm là hành vi vi phạm quy định cấm trong được quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012: hành vi “làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính”. Cần phải được xem xét, xác minh để xử lý sai phạm nếu đủ cơ sở.
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.