ĐH Bách khoa Hà Nội lên tiếng lý giải việc đưa ra mức điểm xét tuyển cao ngang ngửa ĐH Havard
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nói tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khó như vào các trường top đầu của Mỹ là sự so sánh khập khiễng.
Vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, bao gồm xét chứng chỉ quốc tế và xét theo hồ sơ năng lực kết hợp với phỏng vấn.
Theo đó, trường đặt ngưỡng yêu cầu xét tuyển tài năng theo phương thức xét tuyển chứng chỉ quốc tế phải đạt từ 1520/1600 điểm SAT (Scholastic Assessment Test - kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ); đồng thời SAT Toán đạt 770/800 mới trúng tuyển ngành Khoa học máy tính (IT1), Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến (IT-E10).
Đây là mức điểm khá cao, tương đương với mức nhiều học sinh trúng tuyển và giành học bổng đại học ở Mỹ đạt được.
Mức điểm này gây sự chú ý đặc biệt từ dư luận khi được đem ra so sánh ngang ngửa với mức xét nguyển vào các trường đại học hàng đầu thế giới. được biết, mức điểm SAT thí sinh cần đạt để trúng tuyển vào ĐH Harvard là 1460-1570, vào MIT khoảng 1510-1570, vào ĐH Yale từ 1460-1570, vào ĐH Princeton từ 1460-1570 hay vào ĐH Stanford là 1440-1570.
Lý giải những băn khoăn này, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết, nếu nói tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khó như các trường top đầu của Mỹ cũng không đúng, vì hình thức tuyển sinh của các trường khác nhau. Các trường của Mỹ hầu hết chỉ tuyển sinh thông qua hồ sơ, trong khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau.
Trong đó, phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế chiếm tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, khoảng 5%, bao gồm các chứng chỉ như SAT, A-Level, ACT và IELTS. Số lượng trúng tuyển theo điểm SAT của hai ngành Khoa học máy tính và Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến chỉ khoảng từ 5 – 15 em.
Theo đó, mấy năm gần đây, các ngành như Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn luôn lấy điểm chuẩn ở mức cao nhất nhì trong các ngành tuyển sinh của trường.
Do tỉ lệ cạnh tranh cao, yêu cầu điểm SAT từ 1460 trở lên, nên chỉ những thí sinh đạt điểm số xuất sắc mới dám nộp hồ sơ vào. Căn cứ trên hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhà trường xét điểm từ trên xuống dưới, nên điểm trúng tuyển vào những ngành này cao là xuất phát từ thực tế.
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, năm nay, số thí sinh có mức điểm SAT cao tăng mạnh, trong đó bao gồm có những thí sinh xác định đi du học nhưng vì tình hình dịch bệnh nên đã chuyển hướng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH trong nước.
"Vẫn có những thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường ĐH cùng lúc nên có thể trường vẫn phải điều chỉnh chỉ tiêu các phương thức xét tuyển, dành cơ hội cho những thí sinh có nguyện vọng nhập học vào trường", PGS.TS Trần Trung Kiên cho biết.
Do vậy, nói tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khó như vào các trường top đầu của Mỹ là sự so sánh khập khiễng.