Hà Nội đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông: Cân nhắc thời điểm áp dụng và sự đồng thuận của người dân
Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ tại TP. Hà Nội là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc. Tuy nhiên, việc thực hiện cần được cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời kết hợp với nhiều giải pháp hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả lâu dài và xây dựng văn hóa giao thông văn minh trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Hà Nội đang dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó đáng chú ý, dự thảo đề xuất tăng cao mức xử phạt vi phạm giao thông gấp 1,5 - 02 lần so với Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Nội dung này cũng đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
![Ảnh minh họa.](https://media.giadinhvaphapluat.vn/images/2025/02/07/203-1738891179-1111111-09544678.jpg)
Cần cân nhắc thời điểm áp dụng
Chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật gia Đỗ Văn Nhân, Sở Tư pháp Kon Tum cho rằng, về cơ sở pháp lý, tại điểm a khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định:
"1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố được áp dụng các quy định sau đây:
a) Hội đồng nhân dân Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố".
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội".
Như vậy, việc UBND TP. Hà Nội đề xuất HĐND TP. Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định nâng mức mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ là đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với thẩm quyền.
Luật gia Đỗ Văn Nhân đánh giá, việc UBND TP. Hà Nội đề xuất nâng mức mức phạt vi phạm giao thông gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải rà soát, làm rõ các hành vi vi phạm cụ thể của người vi phạm để quy định mức phạt cao hơn so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nhất là đối với các hành vi do lỗi cố ý của người tham gia giao thông như: Đi vào đường cấm; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm; chạy quá tốc độ; vi phạm nồng độ cồn; lạng lách, đánh võng; bấm còi, rú ga (nẹt pô).
Đồng thời, cần phải có thời gian đánh giá toàn diện việc triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP trên thực tế, nhất là các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có phù hợp và đảm bảo tính răn đe hay chưa? Từ đó, mới có cơ sở thực tiễn để đề xuất nâng mức mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Theo dự thảo, thời hạn áp dụng từ tháng 7/2025. Do đó, Luật gia Nhân kiến nghị cần cân nhắc thời điểm áp dụng của dự thảo Nghị quyết này.
Cần sự đồng thuận của người dân và các giải pháp kèm theo
Quan tâm đến đề xuất này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Việc tăng mức xử phạt đối với các vi phạm giao thông tại TP. Hà Nội hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, đây cũng là biện pháp thể hiện quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc và xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật giao thông trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để việc tăng mức phạt đạt hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, cần có quá trình lấy ý kiến rộng rãi từ người dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Một chính sách dù đúng đắn đến đâu nhưng nếu không có sự ủng hộ của người dân thì cũng khó đạt được hiệu quả mong muốn.
Bên cạnh việc tăng mức xử phạt, để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và hình thành văn hóa giao thông văn minh, Luật sư cho rằng TP. Hà Nội cần triển khai thêm nhiều biện pháp đồng bộ. Nếu chỉ áp dụng chế tài xử phạt mà thiếu đi các giải pháp khác sẽ khó có thể mang lại kết quả bền vững.
Luật sư Phạm Thanh Hữu kiến nghị một số giải pháp cần được xem xét và triển khai như:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm một cách nghiêm minh.
- Cải thiện và hoàn thiện hạ tầng giao thông.
"Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ tại TP. Hà Nội là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc. Tuy nhiên, việc thực hiện cần được cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời kết hợp với nhiều giải pháp hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả lâu dài và xây dựng văn hóa giao thông văn minh trên địa bàn thành phố", Luật sư Phạm Thanh Hữu bày tỏ.