Đề xuất hạ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội không quá 3%/năm
Trước tình trạng thiếu nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đối tượng là người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ xem xét bố trí gói tín dụng riêng với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm.
Hiện nay, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì được Chính phủ giao nhiệm vụ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội nhằm đảm bảo đồng bộ quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội quy định trong Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đất đai. Đồng thời đề xuất thí điểm quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua.
Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Nhưng đề xuất này căn cứ vào việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương, có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.
Thực hiện chủ trương chăm lo, cải thiện đời sống, việc làm cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, trong đó có nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động.
Đến nay, đã có 36 địa phương có văn bản giới thiệu địa điểm để đầu tư xây dựng công trình với quy mô 1,5- 7,3ha. Tổng Liên đoàn Lao độngViệt Nam đã lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết điểm xây dựng thiết chế công đoàn; phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị dự án tại 18 địa phương; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án (tại Hà Nam, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng); chuẩn bị phê duyệt dự án đầu tư 2 dự án (tại Bình Đình, Vĩnh Phúc).
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã hoàn thành đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (huyện Duy Tiên, Hà Nam) với các hạng mục: Nhà đa năng, các công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và 5 block nhà chung cư 5 tầng (244 căn hộ) thuộc giai đoạn 1 dự án. Đến nay, đã tổ chức cho thuê 244 căn hộ, đạt tỉ lệ 100%. Giá thuê nhà ở thấp hơn so với giá nhà trọ xung quanh; chất lượng ở tốt hơn rất nhiều.
Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với UBND các tỉnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn. Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, kêu gọi tại 35 địa phương.
Tổng Liên đoàn Lao độngViệt Nam kiến nghị Chính phủ, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã ban hành, xem xét ban hành gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để bảo đảm với mức thu nhập...
Thúc đẩy mục tiêu xây dựng tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, về nguồn vốn, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với quan điểm cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay lãi suất thấp hơn 1,5% - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của ngân hàng thương mại. Hiện lãi suất dành cho chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8,2% dành cho người mua nhà. Tuy nhiên mức lãi suất này chưa hấp dẫn. Đầu tháng 6/2023, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có nguy cơ “ế” vì lãi suất cao.