Đề xuất dùng ngân sách xây đường sắt tốc độ cao
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Theo đó, Chính phủ đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP. HCM (ga Thủ Thiêm). Với tổng chiều dài khoảng 1.541km, 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành. Chủ trương đầu tư dự án đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất, trong đó yêu cầu huy động mọi nguồn lực để triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Chính phủ khẳng định phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc “thẳng nhất có thể”.
Về hình thức đầu tư, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỉ đồng (tương đương khoảng 67,34 tỉ USD). Thời gian hoàn vốn khoảng 33,61 năm.
Cũng theo tờ trình, Chính phủ sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư và cần sử dụng nguồn vốn trong nước, tránh phụ thuộc vào các điều kiện ràng buộc các khoản vay vốn ODA. Trong trường hợp xuất hiện các nhà tài trợ có thể cung cấp các khoản vay có chi phí thấp, ít ràng buộc, Chính phủ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng nguồn vốn này.
Đồng thời, khẳng định, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới có thể cân đối đầu tư dự án, tác động không lớn đến các công trình quan trọng quốc gia khác. Các chỉ tiêu tài chính khi đầu tư dự án và từ khai thác quỹ đất sẽ cải thiện nguồn thu nên có khả năng cân đối vốn để triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...