Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 26/05/2022 20:01 (GMT+7)

ĐBQH: Hội đồng Y khoa quốc gia đâu phải cơ quan quản lý nhà nước mà cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh?

Theo dõi GĐ&PL trên

Chiều nay (26/5), các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).

Đa số các ĐBQH đều cho rằng nhất thiết phải sửa đổi dự án luật này để phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành y tế, để tất cả đối tượng, vùng miền khó khăn đều được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cũng có đại biểu còn băn khoăn với một số quy định còn chưa hợp lý tại dự án luật trình lần này.

Yêu cầu người khám chữa bệnh nước ngoài phải thông thạo tiếng Việt là chưa phù hợp

Theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ), quy định yêu cầu người khám chữa bệnh nước ngoài phải thông thạo tiếng Việt là chưa phù hợp. Bởi hiện nay, hệ thống thiết bị, máy móc về y tế hiện nay rất tiên tiến, người bệnh đều được các máy móc đọc hết các dữ liệu. Người khám chữa bệnh gần như đọc hết các chỉ số mà không cần tiếp xúc người bệnh.

ĐBQH: Hội đồng Y khoa quốc gia đâu phải cơ quan quản lý nhà nước mà cấp phép khám, chữa bệnh? - Ảnh 1.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ băn khoăn, bây giờ người Việt Nam đi nước ngoài khám chữa bệnh, các y bác sĩ cũng đâu cần phải biết tiếng của ta. Vì vậy, bỏ quy định như trên sẽ tạo điều kiện để người bệnh Việt Nam tiếp cận các bác sĩ giỏi ngay ở trong nước mà không cần ra nước ngoài.

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao làm việc tại Việt Nam. Bởi trên thực tế vẫn còn nhiều bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, trong khi nhiều bác sĩ giỏi nước ngoài sang Việt Nam làm việc chúng ta lại không sử dụng thì rất lãng phí. Vì thế, việc xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra là hết sức cần thiết.

ĐBQH: Hội đồng Y khoa quốc gia đâu phải cơ quan quản lý nhà nước mà cấp phép khám, chữa bệnh? - Ảnh 2.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội).

Góp ý thêm vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến để dự án Luật phù hợp hơn với thực tiễn, trong đó cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có đầu tư cho phù hợp, bởi đây là cấp thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.

"Mặc dù chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng. Vì thế, việc sửa đổi cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm" - ĐB Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.

Hội đồng Y khoa quốc gia đâu phải cơ quan quản lý nhà nước mà cấp phép khám, chữa bệnh?

Phát biểu tại tổ thảo luận, ĐB Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường trách nhiệm của các phòng khám, chữa bệnh tư nhân. Cùng với đó là dự thảo Luật mới cần có quy định cụ thể, ràng buộc để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, bởi thực tế các địa phương hiện nay tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh còn ít nhưng ở tuyến trên luôn quá tải, rồi nhiều bất cập trong các phòng khám công – tư.

ĐBQH: Hội đồng Y khoa quốc gia đâu phải cơ quan quản lý nhà nước mà cấp phép khám, chữa bệnh? - Ảnh 3.
ĐB Đoàn Xuân Cừ.

Bên cạnh đó là những bất cập trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, dù cơ sở khang trang nhưng chất lượng khám, chữa bệnh tại các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thấp, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho biết, trong những năm qua, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển rất mạnh. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 52.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có 306 bệnh viện và 37.350 phòng khám tư nhân, chiếm 72,4%, con số này chứng tỏ hệ thống cơ sở y tế tư nhân phát triển rất mạnh.

Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống y tế tư nhân, để y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

ĐBQH: Hội đồng Y khoa quốc gia đâu phải cơ quan quản lý nhà nước mà cấp phép khám, chữa bệnh? - Ảnh 4.
ĐB Trình Lâm Sinh (đoàn An Giang).

Theo ĐB Nguyễn Thanh Phương, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp. Tuy nhiên, chỉ nên giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; còn giao các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế thực hiện việc cấp phép hành nghề.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Thanh Phương, ĐB Trình Lâm Sinh (đoàn An Giang) cho rằng, không nên để Hội đồng y khoa quốc gia cấp Giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh. "Hội đồng Y khoa quốc gia đâu phải cơ quan quản lý nhà nước mà cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh?" - ĐB này nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.