Đây là rủi ro lớn nhất chờ đón các nhà đầu tư trong năm mới 2021?
Có lẽ các nhà đầu tư sẽ hối hận khi nghĩ về những ngày tháng đắm chìm trong những loại tài sản mà họ không hề am hiểu và sẽ bị cạn kiệt thanh khoản nếu thị trường điều chỉnh.
Điều gì sẽ xảy ra với tình trạng mất kết nối nghiêm trọng giữa phố Wall và phố Chính? Đó là câu hỏi quan trọng đối với rất nhiều nhà đầu tư đang lên kế hoạch cho danh mục của mình trong năm 2021. Đó cũng là câu hỏi có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách.
Năm 2020 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến khoảng cách giữa thị trường tài chính và nền kinh tế bị khoét sâu hơn. Đà hồi phục mạnh mẽ từ mức đáy lập ngày 23/3 đã liên tục đẩy các chỉ số chính trên TTCK Mỹ lên đỉnh cao mới, thậm chí trước cả khi chúng ta đón nhận những tin tức tốt lành về vaccine COVID-19. Cùng với chính sách hỗ trợ nền kinh tế lớn chưa từng thấy của các NHTW, điều này khiến lợi suất trái phiếu xuống mức thấp kỷ lục trong khi núi nợ phình to chưa từng thấy.
Trong khi đó bất ổn vẫn bao trùm bức tranh kinh tế toàn cầu. Làn sóng Covid mới đang khiến nhiều nền kinh tế ở châu Âu suy thoái trở lại, dập tắt đà hồi phục của kinh tế Mỹ và hạn chế sức mạnh của châu Á – nơi đang đóng vai trò là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh càng kéo dài thì "vết sẹo" trong lòng kinh tế thế giới sẽ càng to hơn, sâu hơn.
Triển vọng kinh tế bấp bênh cùng với sự chia rẽ sâu sắc trong nhóm các nước quan trọng nhất là 2 trong số những thực tế mùa Covid mà thị trường tài chính đã phớt lờ. Nguyên nhân là bởi thị trường có niềm tin mãnh liệt vào khả năng bảo vệ giá tài sản trước các yếu tố bất lợi của các NHTW.
Không thứ gì có thể khiến nhà đầu tư vững tin bằng nhận thức rằng các NHTW với túi tiền gần như vô biên sẽ mua vào các chứng khoán mà họ đang sở hữu, đặc biệt là ở bất cứ giá nào. Không chỉ trực tiếp đổ tiền vào những tài sản sẽ hưởng lợi từ các chính sách kích thích của NHTW, nhà đầu tư còn tìm kiếm những cơ hội liên quan ở những nơi mà các quỹ săn tìm lợi suất sẽ nhắm đến.
Kết quả là chúng ta không chỉ có những đợt tăng giá được tạo ra bởi thanh khoản dồi dào tưởng chừng như vô tận bất chấp những yếu tố cơ bản có tồi tệ đến đâu.
Dựa trên thực trạng hiện nay, thách thức mà các nhà đầu tư phải đối mặt trong năm 2021 có lẽ sẽ không xuất hiện trong những tuần đầu tiên mà sẽ muộn hơn. Đó có thể là chính sách tiền tệ bị đảo ngược (khả năng xảy ra rất thấp), mức độ chấp nhận rủi ro quá lớn dẫn đến "tai nạn" và xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ doanh nghiệp. Mặc dù các nhà đầu tư sẽ tiếp tục "lướt sóng" ở thời điểm hiện tại, rủi ro sẽ tăng lên trong năm 2021.
Việc các NHTW "bóp méo" thị trường tài chính sẽ gây ra những hệ quả tồi tệ hơn trong 1 nền kinh tế đang hồi phục với kỳ vọng lạm phát tăng. Có lẽ các nhà đầu tư sẽ hối hận khi nghĩ về những ngày tháng đắm chìm trong những loại tài sản mà họ không hề am hiểu và sẽ bị cạn kiệt thanh khoản nếu thị trường điều chỉnh.
Để phòng bị trước kịch bản xấu nhất, nhà đầu tư cần đến những công cụ phân tích mà trớ trêu thay lại không tỏ ra hiệu quả và bị thất sủng ở thời điểm hiện tại. Đó là những thứ như phân tích kỹ thuật, lên kế hoạch về các kịch bản có thể xảy ra, đánh giá thanh khoản đối với từng phân khúc thị trường.
Ngoài ra nhà đầu tư cũng nên suy nghĩ lại về một số quan điểm truyền thống, ví dụ như danh mục 60/40 (cho rằng bạn nên để 60% vào cổ phiếu và 40% vào trái phiếu, nhưng hiện nay lợi suất trái phiếu chính phủ đang bị đẩy xuống mức quá thấp 1 cách giả tạo).
Tình trạng mất liên kết giữa TTCK và nền kinh tế hiện nay càng làm nổi bật những tác dụng phụ không mong muốn của chính sách điều hành kinh tế đặt quá nhiều gánh nặng lên NHTW. Niềm hi vọng của chúng ta cho năm 2021 là với 1 nền kinh tế hồi phục được nhờ vaccine và các doanh nghiệp khoẻ mạnh hơn, chúng ta sẽ có thể tái cân bằng chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ mà không gây ra nhiều xáo trộn.
Tham khảo Financial Times