Hotline: 0942 368 555 Email: giadinhphapluatvn@gmail.com
Thứ tư, 17/02/2021 15:40 (GMT+7)

Danh nhân tuổi Sửu trong lịch sử Việt Nam

Theo dõi GĐ&PL trên

Trong lịch sử dân tộc ta, 'tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/song hào kiệt đời nào cũng có' và điều thú vị là có nhiều bậc hiền tài làm rạng danh Đất nước sinh nhằm năm Sửu. Ngày Xuân, xin được kể về các bậc tiền nhân tuổi Sửu sử sách lưu danh ấy.

tm-img-alt

Vua Lê Đại Hành (941-1005)

Vua Lê Đại Hành (tên húy là Lê Hoàn) sinh năm Tân Sửu (941), là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê. Về quê hương nhà vua có nhiều kiến giải nhưng theo GS. Phan Huy Lê, ngài sinh ra và lớn lên trên đất Thanh Hóa ngày nay.

Thời trai trẻ, Lê Hoàn theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nhiều công trạng; được phong chức “Thập đạo tướng quân”, “Điện tiền chỉ huy sứ” (tổng chỉ huy quân đội) lúc mới 30 tuổi.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) bị sát hại, người nối ngôi còn nhỏ nên Lê Hoàn được cử đảm đương việc nước. Rồi trước họa nhà Tống xâm lăng, ông được tôn lên ngôi vua vào năm 980, mở đầu nhà Tiền Lê. Sau khi lên ngôi, ông và quân dân Đại Cồ Việt lập tức tổ chức kháng chiến chống sự xâm lược của nhà Tống.

Trong sự nghiệp kinh bang tế thế, nhà vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự.

Ngài cũng là người coi trọng phát triển nông nghiệp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 987, vua tổ chức hội cày tịch điền và đích thân cày ruộng để làm gương, khuyến khích nhân dân chăm lo trồng cấy, chấn hưng nông nghiệp. Đây là lễ cày tịch điền đầu tiên ở nước ta.

Lễ cày tịch điền về sau được vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) xếp vào hạng đại lễ của triều đình.

tm-img-alt
Nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên Mông. Nguồn ảnh: Zing.vn.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1241-1294)

Sinh năm Tân Sửu (1241), Trần Quang Khải là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông; ông là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc.

Dưới triều vua Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh Đại vương. Năm 1274, ông được giao giữ chức Tướng quốc Thái úy. Năm 1282, dưới triều vua Trần Nhân Tông, ông được phong làm Thượng tướng Thái sư, người đứng đầu triều nắm giữ binh quyền văn võ Đại Việt.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt của Đại Việt, chỉ sau Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông lập nhiều công  lớn trên chiến trường: Đánh Toa Đô, Ô Mã Nhi, đánh tan giặc ở Chương Dương (1285) và góp nhiều công sức trong cuộc đại phá quân Nguyên trên sông Bạch Đằng (1288).

Không chỉ là dũng tướng thao lược, Thái sư Trần  Quang Khải còn là một người tâm hồn khoáng đạt.

Sau cuộc “bình Nguyên” lần 2 (tháng 6/1285), trước cảnh tướng giặc Toa Đô bị giết, Trấn Nam vương Thoát Hoan phải chui ống đồng trốn về phương Bắc, trong chuyến hộ giá vua về kinh đô Thăng Long, cảm kích trước chiến thắng hào hùng của dân tộc, Trần Quang Khải đã sáng tác bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" bất hủ.

tm-img-alt
Khuôn viên đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn tại Hưng Yên. Ảnh: Báo Hưng Yên.

Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370)

Sinh năm Kỷ Sửu (1289), Nguyễn Trung Ngạn là người làng Thổ Hoàng, tổng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu (nay là thôn Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Nổi tiếng thông minh, học giỏi, năm 16 tuổi, Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp cùng khoa thi với Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Ông là đại thần trải qua nhiều đời vua Trần: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông (từ năm 1293-1369); là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà thơ, nhà lập pháp, có tài kinh bang tế thế.

Năm 1334, ông được vua Trần gọi về kinh và giao chức Đại doãn Kinh sư, tức đứng đầu kinh thành Thăng Long; về sau làm quan đến chức Tể tướng và được coi là 1 trong 10 "Người phò tá có công lao tài đức" đời Trần.

Nguyễn Trung Ngạn còn cùng với Trương Hán Siêu biên soạn hai bộ luật “Hình triều đại điển” và “Hình thư” của nhà Trần.

Ông để lại cho hậu thế tập thơ chữ Hán “Giới Hiên thi tập”, gồm 83 bài mà trong Lịch triều Hiến chương loại chí, Phan Huy Chú ca ngợi: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng (Đỗ Phủ)".

Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390)

Sinh năm Ất Sửu (1325), quê ở Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), Trần Nguyên Đán là danh sĩ nổi tiếng đời Trần.

Vốn dòng tôn thất, lại thông minh đức độ nên Trần Nguyên Đán được bổ làm quan từ khi còn trẻ. Đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), ông được bổ làm Ngự sử đại phu, chức quan chuyên làm việc can gián những việc sai trái của vua và quần thần.

Ngặt nỗi việc can gián, vua không màng đến nên ông cáo quan về ở ẩn rồi sau đó, năm 1371,  lại phò giúp vua Trần Nghệ Tông gây dựng lại cơ nghiệp nhà Trần; được vua phong chức Tư đồ phụ chính.

Ông sống vào lúc triều Trần đi vào buổi suy vi nên mang trong mình rất nhiều tâm sự. Năm 1385 ông về Côn Sơn ở ẩn và mất năm 1390.

Trần Nguyên Đán được coi là viên quan cột trụ của nhà Trần vào cuối thế kỷ XIV.

tm-img-alt
Vua Lê Thái Tổ. Nguồn: thoxuan.thanhhoa.gov.vn.

Vua Lê Thái Tổ (1385-1433)

Sinh năm Ất Sửu (1385) tại làng Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trưởng thành trong lúc đất nước rên xiết dưới ách cai trị của nhà Minh, Lê Lợi nuôi chí khởi binh giành lại giang sơn.

Đầu năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống nhà Minh, xưng là Bình Định Vương. Đất Lam Sơn là nơi tụ nghĩa, quây quần anh hùng hào kiệt bàn mưu đánh giặc. Sau 10 năm “nếm mật, nằm gai”, chiến đấu gian khổ (1418-1427), quân dân ta đại thắng, buộc quân Minh phải rút về nước.

Năm 1428, Bình Định Vương sai Nguyễn Trãi soạn “Bình Ngô đại cáo” để nói cho dân chúng biết cuộc kháng Minh đã thành công.  Lê Lợi lên ngôi, hiệu là Thái Tổ Cao Hoàng đế, còn gọi là Lê Thái Tổ, khôi phục nước Đại Việt, lập nhà Hậu Lê.

Lê Thái Tổ bắt tay vào việc thiết lập chính quyền, chấn hưng kinh tế, giáo dục, đặt ra luật pháp, lễ nhạc,... mở ra một kỷ nguyên thịnh trị cho nước  Đại Việt.

tm-img-alt
Từ phải sang trái: Các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh và doanh nhân Bùi Duy Thành. Nguồn: Tuổi trẻ.

Cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947)

Sinh năm Kỷ Sửu (1889),  quê Hà Đông, Hà Nội, Nguyễn Văn Tố là học giả nổi tiếng; cụ  từng làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội; là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ (1938).

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cụ giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Lâm thời; là đại biểu Quốc hội và là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (như Chủ tịch Quốc hội hiện nay) khoá 1 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (năm 1946).

Trong thời gian giữ trọng trách này, cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần vào việc củng cố chính quyền cách mạng, hoàn thiện đường lối đối nội, đối ngoại, đưa đất nước ra khỏi thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), cụ Nguyễn Văn Tố rút lên Việt Bắc cùng Chính phủ đánh Pháp và hy sinh vào năm 1947.

Tên tuổi cụ Nguyễn Văn Tố gắn với những cống hiến cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội và nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí…

Cụ là người đã mang hết tài năng, tâm huyết, kinh nghiệm để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và kháng chiến kiến quốc; là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, hết lòng vì nước, vì dân.

Cùng chuyên mục

93 năm Ngày thành lập Đảng: Dấu mốc lịch sử!
Trong không khí hân hoan phấn khởi của xuân Quý Mão 2023, dân tộc Việt Nam lại có thêm một niềm vui nữa là mừng Đảng ta thêm tuổi mới. Trong suốt 93 năm qua, Mùa Xuân-Đất nước-Dân tộc và Đảng ta luôn hòa quyện với nhau làm một, cùng làm nên những kỳ tích, viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng tháng Tám
Thắng lợi Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Tin mới

Cột đèn sân vườn đẹp, hiện đại chiếu sáng công viên, sân vườn
Cột đèn sân vườn là một trong những thiết bị chiếu sáng hữu ích và cũng là vật trang trí cho không gian lắp đặt. Với phần thiết kế khá đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng không kém phần hiện đại và sang trọng. Và nếu bạn chưa biết nên chọn mẫu cột đèn sân vườn nào đẹp thì đừng vội bỏ qua bài viết dưới đây nhé. Chúng tôi sẽ cập nhật những mẫu cột đèn sân vườn đẹp, hiện đại và mới cập nhật để bạn cùng tham khảo.
TAND Cấp cao tại Hà Nội đang xem xét lại vụ “tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quy định
Ông Lê Bá Lương, sinh năm 1962, trú tại xã Đức Long, huyện Hòa An và các hộ gia đình đang ở trên thửa đất 350, tờ bản đồ 76 khu Háng Quang phản ánh việc TAND huyện Hòa An và TAND tỉnh Cao Bằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng khi xác định chưa đúng đối tượng khởi kiện và nội dung khởi kiện trong vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản quyền sử dụng đất (QSDĐ) khu Háng Quang, do mua bán, lấn chiếm trái pháp luật”, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của ông Lương…
Vĩnh Phúc: Trung tâm thẩm mỹ bác sỹ Tuấn Dương, quảng cáo “nổ” nhằm lôi kéo khách hàng, “dìm hàng” đối thủ cạnh tranh
Mặc dù chưa được Sở Y tế Vĩnh Phúc phê duyệt, xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định, nhưng trung tâm thẩm mỹ bác sỹ Tuấn Dương (Địa chỉ: 78 Chu Văn An, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) vẫn ngang nhiên quảng cáo quá sự thật, dùng từ ngữ bị cấm trong Luật quảng cáo hiện hành để lôi kéo khách hàng và có dấu hiệu hạ uy tín đối thủ cạnh tranh, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh.
TP.HCM: Nha khoa Tâm Đức Smile thực hiện dịch vụ gây ảnh hưởng cho sức khỏe khách hàng, bác sĩ ít ỏi, bị tố chẩn đoán sai tình trạng
Hành vi thực hiện kỹ thuật chụp X quang cầm tay tại ghế răng cho bệnh nhân của nha khoa Tâm Đức Smile không được cấp phép, quan trọng hơn nó tiềm ẩn nguy ảnh hưởng đáng ngại đến sức khỏe người bệnh do yếu tố bức xạ không đảm bảo. Chưa dừng lại, nhiều chi nhánh của nha khoa Tâm Đức Smile có số bác sĩ ít ỏi, bị khách hàng tố chẩn đoán sai tình trạng, vô trách nhiệm với bệnh nhân.