Đại biểu Quốc hội lên tiếng vụ nghi vấn Phó Giám đốc Sở hiếp dâm cấp dưới
Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc, căn cứ theo Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của Trung ương Đảng thì khi xử lý kỷ luật Đảng, Đảng viên có thể bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng.
Sáng ngày 06/8, Công an tỉnh Thái Nguyên đã có thông tin chính thức về đơn trình báo của nữ cán bộ Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên về việc đã bị ông Đ.D.A., Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên, xâm phạm nhân phẩm, danh dự ngay tại cơ quan.
Theo đó, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, vào khoảng 20 giờ ngày 03/8, Công an TP. Thái Nguyên nhận được đơn trình báo và đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can của chị N.T.T, cán bộ Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên.
Trong đơn, chị T. trình bày việc bị ông Đ.D.A., Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên, có hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự và đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Nguyên khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông A. về hành vi trên.
Sau khi tiếp nhận đơn của chị T., Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Nguyên đã tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh theo quy định. Tuy nhiên, đến 14 giờ 30 ngày 04/8, chị T. đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên nộp đơn xin rút yêu cầu khởi tố.
Công an tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ Thái Nguyên về vụ việc này và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Cần nghiêm khắc xử lý mạnh tay
Trao đổi với Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Bùi Văn Xuyền cho biết, trong vụ việc này nữ nhân viên đã rút đơn trình báo nên theo quy định của pháp luật tố tụng, cơ quan chức năng không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
“Tuy nhiên, đây là một trong những vấn đề cần được nghiêm khắc xử lý mạnh tay, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, sự tin tưởng của nhân dân đối với cơ quan nhà nước. Đặc biệt, với cương vị là lãnh đạo thì vị Phó Giám đốc này càng phải có cách hành xử đúng chuẩn mực, tuân thủ đúng những quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức”, Đại biểu Xuyền khẳng định.
Vị đại biểu này nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần phải tiếp tục làm rõ sự việc để ra các quyết định xử phạt phù hợp, đảm bảo tính khách quan, công bằng. Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc, căn cứ theo Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của Trung ương Đảng thì khi xử lý kỷ luật Đảng, Đảng viên có thể bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng. Đồng thời, việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên dù với hình thức kỷ luật nào thì đều phải đáp ứng nguyên tắc xử lý kỷ luật chung quy định tại Quy định 102-QĐ/TW, được hướng dẫn tại Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW năm 2018.
Kiểm điểm trách nhiệm, đình chỉ công tác
Theo Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa, việc khởi tố hay truy tố như thế nào thì VKS, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên sẽ có trách nhiệm xem xét.
“Việc có khởi tố hình sự hay không là một chuyện, nhưng trước mắt là tôi nghĩ rằng nếu là trên cơ sở đó thì phải kiểm điểm trách nhiệm, trước mắt là đình chỉ công tác đối với vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT này”, ông Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nữ nhân viên này rút đơn có thể xuất phát từ việc gia đình của vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT này hoặc chính bản thân vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT đã đến để hòa giải cùng nữ nhân viên trên và yêu cầu nữ nhân viên rút đơn.
“Tôi nghĩ nếu là tình đồng chí, đồng đội, con người với nhau hoặc là thậm chí là kèm theo những lý do khác thì cũng có thể người ta rút đơn. Nhưng sự việc xảy ra có đúng như vậy hay không? Theo tôi, nếu như báo chí đăng tải thì hoàn toàn là có cơ sở”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho rằng, nếu trước mắt Chính quyền chưa xử lý vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT này về mặt Đảng thì có thể tạm đình chỉ công việc của vị này trong thời gian từ 10 ngày đến nửa tháng để kiểm điểm bản thân. Đồng thời, UBKT của Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng cần phải vào cuộc điều tra, xem xét cụ thể trong vấn đề này.
"Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng cần có trách nhiệm xử lý mạnh tay, nghiêm khắc. Vụ việc này đã gây tiếng vang và ảnh hưởng xấu trong nội bộ cán bộ công chức, viên chức. Nhất là cán bộ lãnh đạo, gây phản ứng trái chiều trong dư luận”, ông Hòa nói.
Nạn nhân đã rút đơn vẫn có thể khởi tố
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, nếu nạn nhân rút đơn không tự nguyện hoặc trường hợp vi phạm là nghiêm trọng thì việc rút đơn không có ý nghĩa, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc. Theo thông tin, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ được những vật chứng của vụ án. Mặc dù đối tượng chưa thực hiện được đến cùng hành vi phạm tội là quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân nhưng những thông tin tình tiết ban đầu cho thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm về tội “Hiếp dâm” theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội “Hiếp dâm” là tội danh cấu thành hình thức, theo đó chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác tấn công nạn nhân với mục đích nhằm quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân là hành vi đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã thực hiện xong hành vi quan hệ tình dục hay chưa, đã thỏa mãn sinh lý hay chưa.
Với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn thì đây là hành vi phạm tội và người phạm tội phải đối mặt với hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.
Ngoài ra, theo Luật sư Cường, trường hợp phạm tội ở khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự thì pháp luật quy định phải có đơn đề nghị xử lý hình sự của người bị hại thì cơ quan tố tụng mới xem xét giải quyết. Trường hợp trong quá trình giải quyết mà người bị hại tự nguyện rút đơn thì vụ án sẽ được đình chỉ.
Còn nếu phạm tội thuộc khoản 2 trở lên thì việc xử lý sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.