Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng” nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế hiện đại, chất lượng và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Đề án nhằm xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh thông minh; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời; góp phần xây dựng thành phố thông minh.
Ngoài ra, việc triển khai Đề án còn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh. Đề án giúp đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xây dựng nền quản trị y tế thông minh…
Đề án được thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu của các đơn vị với tổng kinh phí 488,95 tỷ đồng.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành hệ thống y tế thông minh trên cả ba trụ cột chính gồm: Hệ thống phòng bệnh thông minh; hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và hệ thống quản trị y tế thông minh. Đề án đặt ra các tiêu chí như: 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng bộ mã định danh y tế (ID); triển khai ứng dụng khai thác hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, các trạm y tế xã, phường có khả năng tiếp nhận, khám, chữa bệnh cho người dân địa phương với sự hỗ trợ tư vấn từ xa của chuyên gia y tế tuyến trên bằng công nghệ hội nghị truyền hình trực tuyến. Các cơ sở y tế áp dụng mô hình khám, chữa bệnh từ xa chuyên sâu với nhiều chuyên khoa.
Đề án phấn đấu hoàn thành ứng dụng để người dân giám sát hành trình xe cứu thương trên thiết bị thông minh; hoàn thành trục liên thông dữ liệu y tế toàn thành phố sẵn sàng kết nối với trục liên thông dữ liệu y tế quốc gia; hoàn thành phần hệ điều hành y tế thông minh nằm trong Trung tâm Giám sát điều hành thông minh của thành phố Đà Nẵng…
Mục tiêu đến năm 2030, Đề án đưa ra tiêu chí 100% các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy; sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh...
Theo báo cáo, ngoài những cơ sở, Trung tâm y tế, bệnh viện công, Đà Nẵng đã hình thành và phát triển mạnh hệ thống mạng lưới y tế ngoài công lập. Nhiều cơ sở y tế tư nhân được thành lập nhằm giảm tình trạng quá tải ở hệ thống y tế công lập. Thành phố có 1.760 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; trong đó có 822 cơ sở hành nghề y, 938 cơ sở hành nghề dược. Bệnh viện tư nhân trên địa bàn tăng từ 3 bệnh viện (năm 2001) lên 7 bệnh viện (năm 2023) với quy mô 1.027 giường, chiếm 13,43% tổng số giường bệnh toàn thành phố.
Thời gian qua, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dự phòng, khám, chữa bệnh và trong công tác quản lý. Cụ thể như: nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho 16 bệnh viện (do Tập đoàn FPT tài trợ); triển khai phần mềm quản lý trang thiết bị, khám, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, các ứng dụng trong phòng, chống dịch, tiêm chủng...