Đà Nẵng cho học sinh đi học lại, tiếp tục ứng phó với mưa lớn
Chiều 16/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có công văn gửi các phòng GD-ĐT, các trường trên địa bàn thành phố thông báo cho học sinh học lại bình thường.
Theo đó, để chuẩn bị cho học sinh đi học lại bình thường, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, trường học tập trung tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp, rà soát, kiểm tra phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy, học.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục kiểm tra các nguồn điện đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn, giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Trước đó, do mưa lớn, ngập lụt, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có công văn cho học sinh toàn thành phố nghỉ học từ chiều 13/10.
Cũng trong chiều 16/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng đã ban hành công điện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tiếp tục triển khai ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất khu vực thành phố.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ ngày 16/10 đến ngày 18/10, Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 350mm; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Trên sông Vu Gia và các sông tại Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên thượng nguồn sông Vu Gia từ 3-6m, hạ lưu 1-2m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động (BĐ) 1 đến trên BĐ2, trên các sông thuộc Đà Nẵng ở mức BĐ1 đến BĐ2.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Đà Nẵng đề nghị các quận, huyện tiếp tục theo dõi các bản tin thời tiết, chú ý đề phòng mưa lũ lớn, tiếp tục rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt, nhất là tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất,…
Đồng thời, quản lý chặt chẽ, ngăn chặn người dân và phương tiện đi lại, du lịch tự phát, đánh bắt thủy sản trên sông, suối, ao, hồ, tại các vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm; quản lý và bảo vệ trẻ em trong những ngày mưa lũ để bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ngành tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các cơ quan, đơn vị tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập lụt, chủ động có giải pháp bảo đảm an toàn.