Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 23/08/2023 10:00 (GMT+7)

Cựu Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn hầu tòa vì gây thiệt hại cho gần 400 người

Theo dõi GĐ&PL trên

Tổ chức lấy mẫu, thu tiền mẫu đơn nhưng lại mang đi xét nghiệm PCR mẫu gộp 5, cựu Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn Nguyễn Văn Thiệp hầu tòa vì gây thiệt hại 275 triệu đồng cho gần 400 người.

Ngày 22/8/2023, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở phiên xét xử vụ án. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đối với bị cáo Nguyễn Văn Thiệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Theo hồ sơ, trong thời gian dịch bệnh Covid - 19 đang bùng phát mạnh, nhiều người có nhu cầu xét nghiệm PCR nên bị cáo Nguyễn Văn Thiệp khi đó là Giám đốc TTYT thị xã Nghi Sơn đã tự trang bị vật tư, thiết bị y tế, tự thuê địa điểm, thuê người vận chuyển để lấy mẫu, thu tiền xét nghiệm.

Ngày 15/8/2021, sau khi liên hệ với đại diện Công ty CP nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực (gọi tắt là HSTC), 2 bên thống nhất rằng bị cáo Thiệp sẽ chuyển mẫu cho HSTC xét nghiệm với giá 400 nghìn đồng/mẫu.

a2-1692759331.jpg
Toàn cảnh phiên tòa ngày 22/8/2023.

Đến ngày 21/8/2021, HSTC thông báo công khai giá xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp nên 2 bên đã thống nhất việc xét nghiệm sẽ gộp 5 đối với tất cả các mẫu mà bị cáo Thiệp chuyển đến với giá 235 nghìn đồng/mẫu (đến ngày 23/8/2021 là 225 nghìn đồng/mẫu, nếu còn dư thì sẽ xét nghiệm theo số dư).

Trong các mẫu trên, nếu phát hiện kết quả dương tính thì bị cáo Thiệp phải nộp thêm tiền theo mẫu đơn để xét nghiệm lại cả 5 mẫu.

Để hưởng được tiền chênh lệch, bị cáo Thiệp đã chỉ đạo nhân viên TTYT thị xã Nghi Sơn và thuê một số người khác đến lấy mẫu, thu tiền xét nghiệm PCR của các đối tượng cách ly tập trung, cách ly tại nhà với giá 720 nghìn đồng/mẫu đơn. Nhiều người dân khác có nhu cầu thì bị cáo Thiệp cũng sẽ tự tổ chức lấy mẫu (hoặc lấy mẫu tại Trạm y tế xã, phường), thu tiền với giá 720 nghìn đồng/mẫu đơn, 900 nghìn đồng/mẫu đôi (không lấy mẫu gộp 3, gộp 4 và gộp 5). Tất cả các mẫu trên đều được chuyển cho bên HSTC làm xét nghiệm.

Trong số tiền xét nghiệm thu của người dân, bị cáo Thiệp chi trả 25 nghìn đồng/mẫu là tiền công đi lấy mẫu.

Viện Kiểm sát tỉnh Thanh Hóa xác định, Nguyễn Văn Thiệp đã chỉ đạo đưa mẫu của các đối tượng tại khu cách ly, trạm y tế ra HSTC xét nghiệm nhưng không báo cáo với Tổ điều phối xét nghiệm Covid 19 của tỉnh, toàn bộ tiền thu phí xét nghiệm không hạch toán vào sổ sách kế toán của TTYT. Bởi lẽ, nếu hạch toán vào sẽ phải chuyển mẫu, chuyển tiền ra CDC tỉnh Thanh Hóa để xét nghiệm, thu mẫu đơn sẽ phải nộp theo mẫu đơn, không có chênh lệch.

98-1692759364.jpg
Bị cáo Nguyễn Văn Thiệp khi làm việc với cơ quan Công an.

Ngoài ra, bị cáo Thiệp còn làm việc với Bệnh viện đa khoa Quang Khởi (tỉnh Nghệ An) để chuyển mẫu xét nghiệm với giá 300 nghìn đồng/mẫu. Nhưng sau đó, do việc đi lại khó khăn, giá lại cao hơn HSTC nên Thiệp đã dừng việc chuyển mẫu vào Bệnh viện đa khoa Quang Khởi.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với 397 người là đối tượng được lấy mẫu, thu phí với 609 mẫu, đủ cơ sở xác định tổng số tiền các bị hại đã nộp cho TTYT là 438 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền mà TTYT trả cho HSTC là 146 triệu đồng, trả cho Bệnh viện đa khoa Quang Khởi là 600 nghìn đồng, trả tiền công lấy mẫu là 15 triệu đồng.

Số tiền chênh lệch là 275 triệu đồng, Thiệp giao cho 1 cá nhân quản lý tại tài khoản cá nhân. Ngày 31/3, bị cáo Thiệp đã giao nộp số tiền 210 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Căn cứ các tình tiết và chứng cứ của vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa xác định, bị cáo Nguyễn Văn Thiệp trong khi là Giám đốc TTYT thị xã Nghi Sơn, được giao thực hiện nhiệm vụ là lấy mẫu, thu tiền của các đối tượng bị cách ly bắt buộc phải xét nghiệm PCR, do thấy giá xét nghiệm mẫu gộp thấp nên đã thỏa thuận, trao đổi để thực hiện việc xét nghiệm gộp mẫu 5 với mức giá thấp hơn giá mà người xét nghiệm phải trả, gây thiệt hại cho bị hại 275 triệu đồng.

Phiên toà dự kiến hoàn thành phần tranh tụng và tuyên án vào chiều hôm nay, 23/8/2023.

Cùng chuyên mục

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: VKS đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan
Ngày 15/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Trương Mỹ Lan xin gỡ kê biên cổ phần tại nhiều công ty để khắc phục hậu quả vụ án
Ngày 30/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần đặt câu hỏi của Hội đồng xét xử đối với các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ quan điểm về việc xử lý tài sản bị thu giữ, kê biên trong vụ án.

Tin mới

Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.