Cuộc sống tủi cực của người phụ nữ đẻ 14 người con ở Hà Nội, 3 đứa cùng vướng vào lao lý
Hơn 30 năm kể từ khi lấy chồng rồi lần lượt sinh 14 người con, bà Đặng Thị Hải (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chưa một ngày hết vất vả, tủi cực. Đặc biệt bà lại phải chịu biến cố lớn khi 3 con trai vướng lao lý về tội cướp giật tài sản.
Sinh liên tiếp 14 người con vì đẻ dễ
Chiều một ngày đầu xuân, mặc dù sức khoẻ yếu sau nhiều ngày đau ốm khi gia đình xảy ra biến cố lớn, bà Đặng Thị Hải (53 tuổi, ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn cố gượng dậy ra ngoài bãi cuốc đất trồng rau.
Bà Hải nổi tiếng khắp vùng bởi là người phụ nữ sinh liên tiếp 14 đứa con. Tính trung bình, cứ 2 năm người mẹ này lại sinh đẻ một lần, cũng có những đứa trẻ chỉ cách nhau có 1 năm. Điều đặc biệt là tất cả 14 đứa con gồm 8 trai, 6 gái bà đều không sinh tại cơ sở y tế mà chỉ sinh ở nhà.
Khuôn mặt khắc khổ, bà Hải từ tốn cho biết, chuyện mình đông con chẳng vui vẻ gì. Nhà thì nghèo, suốt ngày bà phải tất bật, dầm mưa dãi nắng mò cua bắt ốc kế sinh nhai. Vợ chồng bà cũng chẳng có thời gian để ý đến chuyện kế hoạch sinh đẻ gì.
“Đến khi bụng to đùng, sắp đẻ rồi tôi mới biết là mình có bầu. Nếu bỏ sẽ mang tội, nên tôi cứ vậy mà đẻ thôi. Được cái tôi cũng dễ đẻ nên vèo cái 14 đứa con đã chào đời. Nhưng nay chỉ còn 13 đứa vì con gái út qua đời năm 2015 do bệnh tật.
Điều đặc biệt là tất cả 14 đứa con, 8 trai, 6 gái bà đều không sinh tại cơ sở y tế mà chỉ sinh ở nhà. Thậm chí người con trai đầu bà còn đẻ rơi, khi đang đi chợ bán cua cá ở phường Mỗ Lao (quận Hà Đông), 2 con út đẻ rơi ngoài đồng, bà Hải tự tay cắt rốn cho con rồi mới ẵm về nhà.
Đông con khiến cuộc sống bà Hải trở nên khổ cực, nghèo đói quanh năm. Để ghi nhớ cho dễ ngoài tên khai sinh bà đặt cho các con theo số thứ tự 6,7,8,9,10... Vợ chồng bà vốn có căn nhà khoảng 30 m2 ở làng Cổ Bản, phường Đồng Mai nhưng hiện tại đã để cho vợ chồng người con trai thứ 2 sinh sống.
Một số người con khác đi lập gia đình. Còn lại 8 người con và cháu theo bà ra khu đô thị mới dựng tạm nhà tôn (container) giữa khu đô thị mới mọc ở phường sinh sống qua ngày.
Ngồi trước mái nhà tôn sau khoảng thời gian mệt nhọc làm ruộng vườn, bà Hải cho biết, quanh năm lúc nào cũng có tiếng trẻ nhỏ nheo nhóc. Hết chăm sóc lần lượt 14 đứa con khôn lớn, hiện bà Hải còn chăm lo cho 5 người cháu nội, cùng 1 người cháu ngoại để các con lo làm ăn.
Chưa một ngày hết khổ
Bà Hải cho biết, hơn 30 năm nay kể từ sau khi lập gia đình, gần như bà chưa bao giờ có cái Tết nào vui. Có năm, 30 Tết trong nhà không còn gì cả, phải đi vay hàng xóm 200 nghìn đồng và 10kg gạo, mua chịu vài lạng miến cho các con nhỏ nheo nhóc ăn Tết.
Năm 2016, chồng bà Hải qua đời sau 5 năm ốm đau bệnh tật để lại mình bà lo toan cho đàn con thơ. Từ đó, một mình bà Hải không quản được con cái nên có một số đứa hư hỏng, vướng vào vòng lao lý.
“Cuộc đời này tôi chưa thấy ai khổ như mình. Mọi người một năm đi làm 365 ngày còn tôi đi làm đến 500 ngày cũng có. Tối mọi người nghỉ ngơi tôi lại cặm cụi làm đủ việc, 4h sáng dậy kéo lưới kiếm con cua, con cá đi chợ bán kiếm tiền lo cho các con”, bà Hải tâm sự.
Gần cuối năm vừa rồi, 3 đứa con trai thứ 7,8,9 của bà Hải lần lượt là Ngô Doãn Tám (SN 2001); Ngô Doãn Hoàng (SN 2000), Ngô Doãn Phúc (SN 2003) vướng vào vòng lao lý. Nghe tin các con gây ra một loạt vụ cướp trên địa bàn quận Hà Đông, bà Hải đã rất sốc, phải nhập viện truyền nước.
“Cả cuộc đời tôi ngày đêm lặn lội mò cua bắt ốc lo cho con. Nhà đông con nên nhiều hôm một số đứa thì ở lại ngủ ở nhà, một số đứa theo tôi xuống lán trại ngủ để trông nom ruộng vườn. Từ trước nay, từ lương tâm người mẹ, tôi luôn căn dặn các con sống phải nghĩ cái nhân đức ở đời.
Tôi không phải là người mong muốn các con phải có đồng tiền mà sinh ra trộm cướp. Tôi dặn các con phải kiếm ra đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt của mình mới thấm thía và trân trọng. Cuối cùng các con làm mất hết sự tử tế của mình”, bà phiền muộn trải lòng.
Người mẹ này cũng chia sẻ, cuộc đời khốn khó của bà chưa bao giờ dám mơ ước nhà cao cửa rộng mà con cái hư hỏng. Bà chỉ cốt mong các con ngoan ngoãn, chịu khó làm ăn. Thế nhưng bao năm tháng qua, bà vẫn chưa một ngày hết cực khổ.
Bà Hải rưng rưng nước mắt chia sẻ: “Nuôi các con từ khi lọt lòng đến nay nhưng tôi chưa bao giờ nhận được câu nói của con ‘mẹ ơi con đi làm có đồng lương, mẹ cầm mẹ mua cái bánh’. Tôi chưa bao giờ được con mình nói được câu như thế. Nhiều lúc tôi nghĩ cũng tủi thân lắm, đêm không ngủ được”.
Tết vừa qua bà Hải đau buồn khi 3 con vướng lao lý nên không mua sắm gì. Người cháu sau đó mua cho bà một vài cân thịt, ít gạo nếp lo cho các con cháu. Vì xấu hổ với dân làng nên bà Hải trở nên lầm lũi, ra đường không dám nhìn ai. Bà đau buồn trước lời đàm tiếu đẻ nhiều không biết dạy con để rồi con đi ăn cắp, ăn trộm.
Nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các con còn lại bà Hải thay nhau phụ mẹ. Đứa giúp bà kéo cá, đứa đi mò cua bắt ốc, đứa nấu cám chăn gà, đứa thì phụ mẹ trông em, các cháu nhỏ.
Khi được hỏi có hối hận vì đẻ nhiều, bà Hải nói rất hối hận vì sinh nhiều mà không lo được cho các con, khiến các con phải chịu khổ và đau khổ hơn nữa khi những đứa trẻ lớn lên không có ai dạy bảo.
“Cuộc đời tôi không sống được bao nhiêu, chỉ mong sao các con ngoan ngoãn. Ba thằng lớn ở trong tù cải tạo, nhận ra sai lầm của mình để sau này khi về nhà lo tu chí làm ăn, không vướng vào các tệ nạn xã hội”, bà Hải mong mỏi.