Cty Hoàng Hà bị tố lợi dụng dịch bệnh “móc túi” khách hàng: Có gian dối trong kinh doanh?
Thông tin từ cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình cho thấy Công ty Hoàng Hà “vẽ” ra nhiều chi phí để “móc túi” khách hàng là có cơ sở, và còn có dấu hiệu gian dối trong hoạt động kinh doanh.
Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phản ánh ánh, việc Công ty Cổ phần Hoàng Hà ký hợp đồng “độc quyền” vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 (ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trở về nơi cư trú, đã có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để “móc túi” khách hàng.
Nội dung phản ánh trên đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, trong đó có những ý kiến trái chiều về sự việc trên. Nhiều người chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Nhưng đa phần các ý kiến khác lại cho rằng đây là thời điểm để doanh nghiệp thể hiện được cái tâm, cái tầm và cả đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp,… và doanh nghiệp không thể “vẽ” ra chi phí, lợi dụng sự “độc quyền” vận chuyển hành khách để “móc túi” công dân một cách trắng trợn như vậy.
Lý giải về sự việc trên, ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Hà “vẽ” ra nhiều chi phí như: để chở người hết thời gian cách ly về địa phương thì anh em lái xe phải đi tập huấn và phải đi làm xét nghiệm mới đủ điều kiện để đi qua các chốt kiểm dịch được.
Sau khi nội dung trên được đăng tải, rất nhiều bạn đọc điện về đường dây nóng của Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam để phải đổi việc ông Hà tính toán chi phí kiểu “con buôn” như thế là không chính xác, không đúng thực tế. Giải thích của Hà chỉ là lời lẽ bao biện cho hành vi kinh doanh thiếu “tâm” trong đại dịch, đối xử thiếu nhân văn với khách hàng.
Bạn đọc Trần Văn A bức xúc nói: Ông Lưu Huy Hà giải thích việc thu 1.700.000 đồng cho quãng đường hơn 40 km (khách hàng Trần Văn K thuê taxi 7 chỗ từ Trung Đoàn 568 về xã Đông Long, huyện Tiền Hải – PV) là do phải tính cả chi phí xét nghiệm Covid-19 PCR với số tiền lên đến hơn 700.000 đồng, tiền mua đồ bảo hộ và tập huấn cho lái xe… là không có cơ sở.
Trong thời gian qua việc vận chuyển hành khách trong nội tỉnh Thái Bình được diễn ra bình thường, vậy tại sao lái xe của Công ty Hoàng Hà lại phải làm xét nghiệm Covid-19 PCR khi chở khách lưu thông trong địa bàn tỉnh. Liệu có phải doanh nghiệp lợi dụng việc này để thu tiền bất chính của khách hàng? – Bạn đọc Trần Văn A phân tích và đặt nghi vấn.
Băn khoăn trên không chỉ của riêng bạn đọc Trần Văn A, mà cũng là sự quan tâm chung của dư luận xã hội. Để giải đáp thắc mắc này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với Sở GTVT Thái Bình.
Trả lời câu hỏi của PV về việc hãng xe taxi Hoàng Hà vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 về nơi cú trú trong địa bàn tỉnh, thì lái xe của hãng này có bắt buộc phải làm xét nghiệm Covid-19 PCR?
Qua điện thoại ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở này không trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi lái xe của Công ty Hoàng Hà có phải làm xét nghiệm Covid-19 PCR hay không, mà chỉ khẳng định lái xe sử dụng xét nghiệm Covid-19 PCR để lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch của các tỉnh.
Cũng liên quan đến chi phí mà khách hàng phải “cõng” khi sử dụng dịch vụ vận chuyển của Công ty Hoàng Hà, là việc tập huấn cho lái xe của đơn vị này (theo lời ông Hà).
Theo tìm hiểu, Sở Y tế Thái Bình là đơn vị tổ chức tập huấn cho không chỉ lái xe của Công ty Hoàng Hà mà còn tập huấn cho một số đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khi trả lời về mức thu kinh phí cho từng đơn vị cử lái xe tham gia tập tuấn là bao nhiêu? Một vị đại diện Sở Y tế Thái Bình khẳng định, Sở không thu bất cứ khoản tiền nào liên quan đến đợt tập huấn trên.
Đối chiếu với thực tế, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không lập chốt kiểm soát dịch giữa tỉnh với huyện và giữa các huyện với nhau; đồng thời căn cứ vào nội dung thông tin của 2 vị đại diện Sở GTVT và Sở Y tế Thái Bình thì có thể hiểu rằng, lái xe của Công ty Hoàng Hà không phải sử dụng xét nghiệm Covid-19 PCR để vận chuyển khách hàng từ Trung đoàn 568 về huyện Tiền Hải, và đơn vị này càng không thể sử dụng dịch vụ “miễn phí” tập huấn để tính phí cho khách hàng.
Vậy, có thể khẳng định cách mà ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Hà tính toán chí phí tiền xét nghiệm Covid-19 PCR và tập huấn cho lái xe để thu tiền khách hàng Trần Văn K 1.700.000 đồng cho hơn 40 km là không có cơ sở, biểu hiện rõ dấu hiệu gian dối trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này.
Trong một diễn biến khác, hiện nay dư luận đang thắc mắc trước việc người dân, báo chí đã phản ánh và cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ rõ ràng về dấu hiệu Công ty Hoàng Hà lợi dụng dịch bệnh để “móc túi” khách hàng, nhưng đến nay đã nhiều tuần trôi qua mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Thái Bình vào cuộc kiểm tra, xác minh vụ việc – Đây là điều rất kỳ lạ !
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.