Công ty Hương Liên! Xin hãy đối xử với công nhân bằng tình người
Đừng làm khó công nhân – người lao động, những người dù ít hay nhiều cũng đã công hiến cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Do đó, xin hãy đối xử
Thời gian qua, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của nhiều công nhân đã và đang làm việc tại Công ty TNHH Hương Liên (địa chỉ tại Cụm công nghiệp Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã cố tình dùng "chiêu trò" để ép nhiều công nhân đang làm việc tại công ty phải nộp phạt một khoản tiền do vi phạm Hợp đồng lao động, thì mới được rút sổ bảo hiểm sau khi nghỉ việc.
Khi có nguyện vọng xin nghỉ việc tại công ty này để chuyển sang môi trường làm việc ổn định hơn, hoặc vì lý do gia đình mà không thể tiếp tục làm việc, rất nhiều công nhân đã phải cay đắng mang tiền nhà, tiền mua sữa nuôi con và thậm chí có người phải đi vay mượn gần chục triệu đồng về nộp cho Công Hương Liên để lấy về tấm sổ bảo hiểm.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, chị Trần Thị Hảo (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) là công nhân làm tại Công ty Hương Liên được hơn 3 năm, bức xúc cho biết: Tôi ký Hợp đồng lao động với Công ty Hương Liên từ 2015. Đến năm 2019, tôi muốn xin nghỉ để tìm công việc mới có thu nhập ổn định hơn, nên đã thông báo với công ty về thời gian xin nghỉ trước 45 ngày theo như thoả thuận và cam kết trong hợp đồng.
Do phía Công ty Hương Liên không chấp nhận đơn viết tay, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải quyết định xin nghỉ, và khi đến rút sổ bảo hiểm thì công ty yêu cầu tôi phải nộp phạt số tiền 6.900.000 đồng thì mới được rút. Lý đó mà Công ty Hương Liên đưa ra là tôi không có đơn xin nghỉ việc theo mẫu quy định của công ty, trong khi trước đó tôi đã nhiều lần lên xin nghỉ mà không được chấp nhận và cũng không cấp mẫu đơn cho tôi.
Cũng chung cảnh ngộ là chị Vũ Thị Đông (trú tại xóm 10, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư). Chị Đông cũng làm công nhân tại đây được 3 năm, đến năm 2019 chị này xin nghỉ để tìm một công việc phù hợp hơn. Tuy nhiên, khi đến công ty để thông báo nghỉ việc và xin cấp mẫu đơn xin nghỉ việc của Công ty Hương Liên thì không được đáp ứng. Bất đắc dĩ chị Đông phải làm đơn viết tay, và hậu quả là chị Đông phải nộp phạt số tiền: 6.500.000 đồng cho công ty này thì mới lấy được sổ bảo hiểm của mình.
Một trường hợp khác, là chị Bùi Thị Thuý cũng phải bỏ ra số tiền 6.500.000 đồng để “mua” lại sổ bảo hiểm của chính mình từ Công ty Hương Liên.
Ngoài ra, theo các công nhân ở đây cho biết, tổng số người bị Công ty Hương Liên buộc phải nộp phạt số tiền tương tự như những trường hợp trên lên đến 50 người, và số tiền từ “trên trời rơi xuống” cho Công ty Hương Liên lên đến hàng trăm triệu đồng.
Để làm rõ phản ánh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với đại diện Công ty Hương Liên. Trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Đình Trọng – Giám đốc Công ty Hương Liên xác nhận có sự việc trên.
Ngoài ra, ông Trọng cho biết, danh sách công nhân vi phạm là 50 người, còn số bị phạt do vi phạm Hợp đồng lao động chỉ hơn 20 người, chứ không phải là 50 người như phản ánh.
Cần phải biết rằng, phía sau mỗi công nhân lao động tại Công ty Hương Liên là cuộc sống của cả một gia đình, trong đó có người già và trẻ nhỏ, có người đã mất khả năng lao động, người còn lại thì sống phụ thuộc tuyệt đối.
Và họ, là những người công nhân đã tình nguyện “bán” sức lao động của mình cho các doanh nghiệp, để hàng tháng có một khoản thu nhập để tồn tại, để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng đâu đó vẫn có những chủ doanh nghiệp – chủ sử dụng lao động lại không chia sẻ với hoàn cảnh của họ, với những con người dù ít hay nhiều cũng đã góp phần công sức nhỏ bé của mình vào sự tồn tại và phát triển của công ty nơi họ đã cống hiến, làm việc.
Vì vậy, họ chính là đối tượng cần phải nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và tạo điều kiện giúp đỡ trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là khi họ gặp khó khăn. Nhưng với Công ty Hương Liên, chúng tôi không thấy thể hiện điều này.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không bàn luận đến quy định mà Công ty Hương Liên đưa ra ở trên là đúng hay sai, và công nhân có nghiêm túc thực hiện hay chưa. Nhưng dù với quy định nào đi nữa thì cũng do chủ sử dụng lao động đưa ra, vì vậy, nếu có thể hãy tạm gác điều đó sang một bên để hỗ trợ và giúp đỡ họ, những người công nhân đã gắn bó và đồng hành với công ty trong nhiều năm qua. Qua đó hãy ứng xử với công nhân của mình bằng tình người!
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.