Cơ sở nào để Đại học Đông Đô cấp hơn 600 bằng giả?
Dù chưa được phép đào tạo văn bằng 2, nhưng từ năm 2015 trường này đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải “Đề án tuyển sinh” lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GĐ&ĐT.
Sự tiếp tay của một số đơn vị thuộc Bộ GĐ&ĐT
Cụ thể, tháng 01/2015, Đại học Đông Đô đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của gửi Vụ Kế hoạch tài chính. Trong đó không có nội dung đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 khối ngành III, V, VII chính quy. Tuy nhiên, tháng 4/2015 Bộ GD&ĐT có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh số 173, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 khối ngành III, V, VII chính quy.
Những năm học sau, Đại học Đông Đô có văn bản “xin” chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy và được các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó năm 2016 là 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 khối ngành III, V, VII chính quy; năm 2107 là 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 khối ngành III, V, VII chính quy và năm 2018 là 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 khối ngành III, V, VII chính quy.
Đặc biệt, Thông báo số 136/TB-BGDĐT do ông Trần Tú Khánh ký duyệt là cơ sở để xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho Trường Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 khối ngành III, V, VII chính quy năm 2017 và các năm sau đó.
Sau quá trình xác minh, cơ quan điều tra xác định, việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyền sinh trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 khối ngành III, V, VII chính quy lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho trường Đại học Đông Đô trong khi trường này chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép là có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Đông Đô đã cấp hơn 600 bằnggiả
Căn cứ tài liệu thu giữ được, cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng; 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị.
Đối với 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ.
Trước vụ việc trên, cơ quan điều tra cũng vừa hoàn tất kết luận đề nghị truy tố 10 bị can, gồm cựu Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, cán bộ Đại học Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác” liên quan đến việc cấp văn bằng sai quy định.