Chuẩn bị sẵn sàng đồng loạt công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 vào ngày 24/7
Theo Bộ GD-ĐT, ngày 24/7 sẽ công bố điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT; nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn tất phần chấm thi.
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT, đối sánh kết quả thi, các địa phương hoàn thành chậm nhất ngày 22/7. Kết quả thi sẽ được công bố đồng loạt vào ngày 24/7.
Từ 24/7 đến hết ngày 3/8, các đơn vị đăng ký dự thi và sở GD-ĐT thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo.
Sở GD-ĐT, nhà trường xét công nhận tốt nghiệp THPT, hoàn thành chậm nhất ngày 26/7.
Chậm nhất ngày 28/7, các đơn vị cập nhật vào Hệ thống quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD-ĐT; công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất ngày 30/7, đơn vị cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh; in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.
Để chuẩn bị công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, các địa phương đều tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để thí sinh tra cứu điểm thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
Thông tin từ ông Phan Thành Công, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành công tác chấm thi. Địa phương sẽ công bố kết quả theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Chuẩn bị cho công bố kết quả thi, Sở GD-ĐT đã thuê hạ tầng, thông báo dự kiến thời gian và hướng dẫn cách tra cứu điểm trên trang thông tin điện tử của sở.
Theo đó, dự kiến thời gian thông báo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào khoảng 8 giờ ngày 24/7. Thí sinh có thể truy cập vào 1 trong 2 địa chỉ để tra cứu: http://ninhbinh.edu.vn/tra-cuu/bang-diem (hoặc địa chỉ http://ninhbinh.edu.vn và tìm mục “Tra cứu/ Bảng điểm” để tra cứu điểm) và http:// 14.225.244.236. Thí sinh nhập số báo danh vào mục tìm kiếm để tra cứu kết quả thi của mình.
Tại Bình Dương, số lượng bài cần chấm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 12.685 với Toán; 12.640 với Ngữ văn; 10.374 với Ngoại ngữ; 5.671 với bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và 7.035 với bài tổ hợp Khoa học xã hội. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Dung cho biết: Bình Dương tổ chức 12 phòng chấm bài thi tự luận, chia thành 4 tổ chấm; điều động 96 cán bộ chấm thi (trong đó có 86 cán bộ chấm thi và 10 cán bộ chấm kiểm tra).
Ban Làm phách bài thi tự luận làm việc 2 vòng độc lập. Về tiến độ chấm thi tự luận, từ ngày 13/7, Bình Dương tổ chức chấm chung, tiến hành chấm chính thức từ 14/7. Điểm bài thi được nhập theo tiến độ chấm thi. Với chấm bài thi trắc nghiệm, địa phương tổ chức 1 phòng, chia thành 3 tổ chấm, chấm theo kế hoạch từ ngày 10/7 đến hết 20/7.
Tại Quảng Trị, thông tin từ Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Hương, theo kế hoạch, địa phương sẽ hoàn thành việc chấm thi vào ngày 19/7. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã được chuẩn bị sẵn sàng để việc công bố điểm được thuận lợi, suôn sẻ theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho hay, tới thời điểm hiện tại, đơn vị đang kiểm dò, báo cáo Bộ GD-ĐT tổng hợp, đối soát dữ liệu để công bố điểm thi, xét công nhận tốt nghiệp theo quy định. Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hội đồng thi tỉnh Nam Định dự kiến sẽ được công bố theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT vào ngày 24/7.
Cũng theo đại diện Sở GD-ĐT Nam Định, thống kê cho thấy, có khoảng 20 nghìn thí sinh của tỉnh đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Toàn bộ 35 điểm thi trên địa bàn tỉnh đều không ghi nhận sự cố bất thường hay cán bộ, thí sinh nào vi phạm quy chế.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thành phố có số lượng dự thi đông nhất cả nước với gần 98.000 thí sinh, với hơn 273.000 bài thi trắc nghiệm của tất cả các môn thi. Riêng bài thi tự luận có 98.000 bài thi môn Ngữ văn. Để chấm khối lượng bài thi lớn, Hà Nội đã huy động gần 700 cán bộ, giáo viên bắt tay vào xử lý các công đoạn để chấm ngay sau khi kỳ thi kết thúc.
Sau hơn chục ngày diễn ra kỳ thi, vấn đề điểm thi đang được thí sinh, phụ huynh chờ đợi. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương quán triệt cán bộ chấm thi, sau khi kết thúc công việc chấm, không được thông tin về điểm thi như: bài thi điểm cao, bài thi điểm thấp… khiến thí sinh hoang mang. Tất cả các bài thi khi đến tay giám khảo đều đã được rọc phách.
Ngoài các kênh tra cứu điểm từ Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT, các nhà trường, để tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh trên cả nước, Bộ GD-ĐT dự kiến cung cấp dữ liệu điểm thi cho các cơ quan báo chí để đăng tải rộng rãi.
Các cơ quan báo chí cần cam kết chỉ sử dụng dữ liệu để phục vụ thí sinh tra cứu điểm thi, không chia sẻ dữ liệu này cho bên thứ ba và không sử dụng cho mục đích khác.
Cơ quan báo chí cũng không được can thiệp vào nội dung dữ liệu được cung cấp từ Bộ GD-ĐT, thông tin chính xác theo dữ liệu nguồn; cung cấp dữ liệu điểm thi miễn phí, tuyệt đối không sử dụng dữ liệu điểm thi cho mục đích thương mại; thiết kế công cụ tra cứu (tra cứu theo số báo danh của thí sinh, kết quả xuất ra là điểm các môn thi của duy nhất số báo danh đó).