Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 04/04/2024 06:56 (GMT+7)

Chú ý nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng

Theo dõi GĐ&PL trên

Những ngày gần đây thời tiết nắng nóng trên cả nước tiếp tục tăng mạnh, nhiệt độ cao nhất nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C. Các chuyên gia y tế lưu ý thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 2-4 thời tiết các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất từ 37-40oC, thậm chí có nơi trên 40oC.

Nam Bộ và các nơi còn lại ở Bắc Bộ nắng nóng đến nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất 35-37oC, có nơi trên 37oC.

Tại Đồng Nai, nhiệt độ có xu hướng giảm sau hơn một tuần nắng nóng gay gắt. Ông Nguyễn Phước Huy, giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, cho hay dù nhiệt độ có giảm nhưng thời tiết vẫn còn khá oi bức, sức khỏe người già và trẻ nhỏ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ngày 2-4, thời tiết oi bức ngay từ sáng sớm và kéo dài đến tận chiều muộn. Đặc biệt vào giữa trưa, trời nắng to khiến sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng. Các quầy hàng ngoài trời gần như mất hút, cửa tiệm buôn bán nhỏ lẻ cũng tạm ngừng hoạt động, chờ trời mát mẻ mới mở cửa đón khách…

Trong khi đó, do nắng nóng kéo dài hơn tháng qua, người dân buộc phải tăng cường tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi. Hạn hán còn khiến các khu vực hạ lưu sông Đồng Nai bị hạn mặn xâm lấn.

Những đối tượng nào có nguy cơ cao về sức khỏe trong ngày nắng nóng

Theo một hướng dẫn trước đó, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm:

- Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

- Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức: người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép, v.v.

- Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường.

Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.

Mức độ nhẹ: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.

Theo bác sĩ Trần Quốc Quý - khoa hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thời tiết nắng nóng có thể gây gánh nặng đặc biệt cho sức khỏe tim mạch.

"Nhiệt độ tăng cao sẽ tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi cũng như nhiệt độ cao khiến cho nhịp tim tăng đáng kể, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và thậm chí là suy tim", bác sĩ Quý cho hay.

PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM - cho biết trong một số tình huống thời tiết có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ, đó là khi thời tiết quá lạnh, quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt.

Khi thời tiết quá nóng ẩm, cơ thể mất nước khá nhiều, sẽ dễ tạo ra huyết khối trong mạch máu. Nguy cơ càng cao khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, hoặc khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40oC.

Trong phần lớn các trường hợp, có thể hiểu thời tiết nóng hay lạnh là yếu tố thúc đẩy (không phải nguyên nhân trực tiếp) gây ra đột quỵ. Ngoại trừ trường hợp khi nhiệt độ cơ thể bị đẩy lên cao trên 40oC, có thể gây ra đột quỵ do tăng thân nhiệt.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Với mức độ nhẹ cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.

Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet).

Ngừa đột quỵ ra sao?

Bác sĩ Thắng khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong mùa nắng nóng, người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài. Không nên hoạt động thể lực quá mức vào những lúc nắng nóng và uống nước lạnh nhiều, tránh để cơ thể trong tình trạng thiếu nước.

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt các bệnh nền, đặc biệt là cao huyết áp vì huyết áp có thể bị đẩy lên rất cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đối với người lớn tuổi, béo phì và có nhiều bệnh nền kèm theo được xem là những đối tượng có nguy cơ cao. Lưu ý khi sử dụng quạt, máy lạnh là những biện pháp làm giảm nhiệt độ một cách hữu hiệu.

Theo bác sĩ Quý, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, những người đang có vấn đề về tim mạch cần hết sức cẩn trọng. Bởi vậy, người bệnh cần theo dõi dự báo thời tiết để biết được những thời điểm đặc biệt nắng nóng, nên ở trong nhà vào những ngày đó. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, buổi tối và sáng sớm thường là thời điểm mát mẻ nhất trong ngày.

Với những người bị suy tim, nên hỏi bác sĩ điều trị rằng cần uống bao nhiêu chất lỏng hằng ngày, vì chất lỏng có thể tích tụ và gây phù nề. Ngoài ra, người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu cũng cần hỏi chuyên gia y tế tư vấn về lượng nước cần uống.

"Người mắc bệnh tim mạch khi gặp các triệu chứng trở nên nặng hơn như khó thở, đau tức ngực, hồi hộp trống ngực, thậm chí ngất… nên đến cơ sở y tế để được phát hiện nhanh chóng và xử trí kịp thời các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra, tránh để lại hậu quả nặng nề sau này", bác sĩ Quý khuyến cáo.

Cùng chuyên mục

Bệnh lao trẻ em: Hiểu đúng để điều trị sớm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số trẻ mắc lao chiếm từ 10-12% tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 10,6 triệu ca mắc lao mới trong đó có 1,2 triệu ca ở trẻ em dưới 15 tuổi và khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.
Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam (dân gian gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa lành một số bệnh thông thường.

Tin mới

Dịch vụ vệ sinh công nghiệp của Dịch vụ Nam Hưng có ưu điểm gì nổi bật?
Dịch vụ vệ sinh công nghiệp đóng vai trò quan trọng để tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn. Trên thị trường hiện nay có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Trong đó, Dịch vụ Nam Hưng là đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) đã nhận được nhiều phản ánh về việc khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực cung cấp thông tin do điện lực tính sai hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi Lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng nên liên hệ để hoàn tiền % theo hóa đơn, hoặc trả tiền điện thừa cho khách hàng.