Chủ tịch VPF - 'bầu Hiển' futsal Việt Nam và nghịch lý của VFF
Chiến thắng 3-2 trước Panama giúp cho tuyển futsal Việt Nam có cơ hội đi tiếp vào vòng 16 đội tại FIFA Futsal World Cup 2021.
3 điểm trước Panama ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của tuyển futsal Việt Nam. Đội bóng của HLV Phạm Minh Giang để cho đối thủ gỡ hoà 2-2, sau đó thắng nghẹt thở 3-2 với sự xuất sắc của thủ môn Hồ Văn Ý - người có 12 pha cứu thua trong hiệp 2.
Có thể thấy được sự bản lĩnh lớn của các cầu thủ Việt Nam ở sân chơi World Cup. Và đằng sau sự ấn tượng của tuyển futsal Việt Nam không thể bỏ qua vai trò của ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF, một người có ảnh rất lớn đến futsal Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tầm ảnh hưởng của ông Trần Anh Tú có thể nhìn qua câu chuyện hồi năm 2018. LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã lên tiếng cảnh báo 5 đội có liên quan đến ông Trần Anh Tú về nỗi lo nhường điểm ở các giải futsal.
"Nếu chúng tôi phát hiện các đội bóng liên quan đến ông Trần Anh Tú có dấu hiệu nhường điểm để dồn cho một đội vô địch, VFF sẽ kiên quyết xử lý để giải diễn ra công bằng", Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh nói tại buổi lễ công bố giải futsal VĐQG 2018 và giải futsal Cup Quốc gia 2018.
Có thể nói ông Trần Anh Tú ở môn futsal được ví như bầu Hiển ở sân chơi chuyên nghiệp từng bị phản ứng là "5 đánh 1", vì ông Tú liên quan đến nhiều CLB ở giải futsal.
Thực tế, futsal ở Việt Nam không phải là môn thể thao được nhiều người dành sự quan tâm lớn. Do đó, ông Trần Anh Tú chịu chơi nên có ảnh hưởng đến nhiều CLB, thậm chí là có thể chi phối cả đội tuyển futsal Việt Nam. Vì HLV CLB Thái Nam Sơn của ông Tú là HLV Phạm Minh Giang, người đang dẫn dắt tuyển futsal Việt Nam. Nòng cốt của ĐTQG là quân Thái Sơn Nam. Ông Trần Anh Tú làm Trưởng đoàn...
Đúng hơn, một môn thể thao không nhận được sự quan tâm lớn, không có nhiều ông chủ chơi thì futsal Việt Nam đang là cuộc chơi riêng của ông Trần Anh Tú. Xen lẫn những bất cập nêu trên thì phải sòng phẳng nhìn nhận ông Tú có sự đóng góp lớn cho futsal Việt Nam. Đây chính là điều quan trọng để futsal Việt Nam được góp mặt ở sân chơi World Cup.
Nhìn rộng vấn đề, Việt Nam rõ ràng có tiềm lực lớn để phát triển môn futsal, chỉ là vai trò cầm trịch của VFF chưa rõ ràng, còn cuộc chơi trong nhiều năm qua được ví như của một người. Đó là rào cản cho những người có tâm huyết và sự đam mê vào đóng góp, qua đó chưa tạo ra một cuộc chơi có tính cạnh tranh hơn so với thực tế một ông chủ ảnh hưởng đến nhiều đội bóng và ĐTQG.
Chính vai trò của ông Trần Anh Tú đang mang đến sự bất cập lớn. Ông Tú đang là Chủ tịch VPF nhưng theo chân tuyển futsal Việt Nam với vai trò Trưởng đoàn tại World Cup 201. Nhưng V.League, hạng Nhất 2021 vẫn chưa chính thức có văn bản dừng giải, còn ông Tú bận bịu với tuyển futsal Việt Nam ở nước ngoài. Đây là sự bất cập của một người đang ôm nhiều việc, nhiều vai trò.
Và VFF muốn futsal Việt Nam bay cao hơn ở sân chơi World Cup thì cần nhìn vào những sự bất cập như một ông chủ liên quan nhiều CLB, qua đó có giải pháp hợp lý để những người tâm huyết và đam mê có thể cùng ông Trần Anh Tú đẩy mạnh sự phát triển của môn futsal. Vì một giải vô địch có 10-12 đội mà một người liên quan đến 5 đội thì khó ai dám chơi, có nói minh bạch và không nhường điểm thì cũng dễ gây tranh cãi.
Do đó, VFF phải cho thấy vai trò với futsal Việt Nam, thay vì nhìn vào giống như đang giao khoán cho ông Trần Anh Tú - Trưởng ban futsal, Trưởng đoàn futsal, ông chủ của HLV trưởng tuyển Việt Nam, ông chủ liên quan đến nhiều CLB futsal ở giải vô địch quốc gia...
Tất cả là nghịch lý lớn và hậu quả nhãn tiền nếu như ông Trần Anh Tú "hắt hơi" thì môn futsal bị "ốm". Càng nghịch lý khi tuyển futsal Việt Nam đi World Cup 2021 thì không ai nói đến vai trò của VFF, chỉ ca ngợi theo kiểu "đếm công" ông chủ liên quan nhiều CLB với sự thầm lặng như đi siêu thị, nấu ăn...