Chốt phương án đầu tư xây dựng sân bay nghìn tỷ đồng ở Lai Châu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức PPP.
Xét báo cáo của Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức PPP, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND tỉnh Lai Châu chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư Cảng hàng không Lai Châu.
Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, UBND tỉnh Lai Châu thống nhất với Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư Cảng hàng không Lai Châu với phương thức PPP theo đúng quy định.
Theo tờ trình 13833 về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ GTVT, Cảng hàng không tại Thị trấn Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) có công suất thiết kế dự kiến 500.000 hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117,09 ha, ước chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 4.350 tỷ đồng.
Dự án Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn...
Hiện vùng miền núi Tây Bắc có một sân bay Điện Biên. Theo đề xuất quy hoạch của Bộ GTVT, đến năm 2030 khu vực này có 4 sân bay nội địa là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La).
Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua.
Hiện cả nước có 22 sân bay, Bộ GTVT đề xuất từ nay tới năm 2030, ngoài sân bay Long Thành đang xây dựng, chỉ bổ sung thêm 5 sân bay mới gồm: Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La), Quảng Trị, Phan Thiết. Sau năm 2030, đầu tư sân bay Tiên Lãng (thay sân bay Cát Bi, Hải Phòng), sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, sân bay Cao Bằng. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một số sân bay ở các đảo như Lý Sơn, Phú Quý...
Bộ này cũng đề xuất ngân sách nhà nước chỉ ưu tiên cho nâng cấp sân bay hiện hữu, với sân bay mới, các địa phương tự huy động vốn, cân đối nguồn lực và tổ chức xây dựng.