Câu chuyện của nhân viên nhà xác, buộc phải ngủ với thi thể nạn nhân Covid-19: 'Tôi mệt quá anh ơi'
Người đàn ông này đã ở nhà xác 5 ngày nay và mỗi ngày anh đều làm việc quần quật từ sáng tới tối, thậm chí phải ăn ngủ bên cạnh thi thể người chết vì Covid-19.
Trời đã về đêm, đồng hồ trên tường điểm 21h15 phút nhưng bên trong nhà xác của Bệnh viện Sekupang (Indonesia) vẫn còn hoạt động. Một người đàn ông mặc đồ bảo hộ đang ngồi trầm ngâm, dựa đầu vào tường ở một góc phòng, mắt hướng ra cửa sổ nhìn xa xăm.
“Tôi mệt quá anh ơi. Đây là cái xác thứ 6 được quấn rồi, bên trong vẫn còn 1 thi thể nữa”, anh Nurdin (50 tuổi, một nhân viên nhà xác) thều thào khi vừa quấn xong một cái xác. Trông anh rất mệt mỏi, dường như không còn sức nữa nhưng công việc vẫn chưa kết thúc và anh sẽ phải tiếp tục “chiến đấu”.
Dù đã khá già, vầng trán nhăn nheo nhưng ánh mắt của anh vẫn tràn đầy sự nhiệt huyết. Anh giống như một chiến binh thầm lặng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vậy.
Người đàn ông thừa nhận rằng đã 5 ngày anh chưa về nhà. Anh ở lại nhà xác này làm việc quần quật ngày đêm, thậm chí phải ăn ngủ cạnh thi thể của nạn nhân Covid-19. “Đã 5 ngày rồi mà tôi chưa về nhà, tôi không kịp về. Số lượng thi thể tiếp tục tăng lên, mỗi ngày có khoảng 6 người chết ở đây hoặc hơn”, anh Nurdin nói.
Mặc dù đã quá quen với công việc trong nhà xác nhưng với các bệnh nhân tử vong vì Covid-19 thì anh phải mặc đồ bảo hộ để tránh nhiễm bệnh. Tuy nhiên, làm việc trong bộ đồ bảo hộ quả thật không hề dễ dàng. Qúa trình tắm rửa cho thi thể người chết, liệm xác và chôn cất kéo dài khiến cơ thể anh đổ đầy mô hôi, khó khăn và mệt mỏi cũng vì vậy mà tăng lên gấp bội.
“Trời nóng quá đi! Mặc đồ bảo hộ đi làm nhiều giờ khiến chúng tôi đổ mồ hôi nhễ nhại. Đôi khi chúng tôi chỉ muốn cởi bỏ đống đồ bảo hộ trên người nhưng chúng tôi không thể làm điều đó, vì nếu như vậy thì nguy cơ chúng tôi bị lây nhiễm rất cao”, người đàn ông 50 tuổi chia sẻ.
Theo anh Nurdin, 2 tuần qua là đỉnh dịch và điều này có thể thấy được qua số lượng lớn bệnh nhân tử vong vì Covid-19. “Bây giờ là đỉnh dịch, căn bệnh này rất nghiêm trọng. Các thi thể nạn nhân Covid-19 ngày càng chất cao hơn, anh tin hay không thì tùy nhưng căn bệnh này thực sự rất đáng sợ”, nhân viên nhà xác nói với phóng viên.
“Chưa bao giờ có nhiều thi thể như vậy. Thật là khủng khiếp. Các thi thể không chỉ đến từ bệnh viện nữa mà đến từ khắp mọi nơi”, anh Nurdin nói thêm.
Làm việc tại nhà xác, anh Nurdin này cũng không hề đơn độc. Anh có 2 đồng nghiệp đồng hành cùng mình là Siti Aminah (55 tuổi) và Syukur Latif (40 tuổi). Họ đều đã có tuổi và cũng giống như anh, buộc phải ở lại nhà xác trong nhiều ngày nay.
Nếu như anh Nurdin đã làm việc tại nhà xác này trong 20 năm qua thì 2 đồng nghiệp của anh cũng có tuổi nghề không hề kém cạnh, một người 21 năm và người còn lại 17 năm. Mỗi ngày họ đều phải “vật lộn” với những xác chết: tắm rửa, khâm liệm, quấn thi thể và chôn cất tại nghĩa trang.
Dù công việc vất vả và đối mặt với nhiều rủi ro nhưng cả ba vẫn rất yêu công việc này. Anh Nurdin cho biết, làm nhân viên nhà xác là công việc đòi hỏi sự hy sinh và tấm lòng chân thành. Ngoài việc phụ trách khâm liệm các thi thể, anh còn phải kiêm luôn cả tài xế xe tang, xe cứu thương. Bất cứ khi nào có bệnh nhân cấp cứu và phát hiện ra xác chết, anh đều phải vào cuộc. Anh làm việc không biết đến thời gian, thậm chí cả thứ 7 và chủ nhật, khi bệnh viện cần anh đều có mặt.
“Mọi thứ đều có nhân quả. Chúa biết rất rõ những gì chúng ta đang làm mỗi ngày. Hãy làm những điều tốt, hãy cống hiến khi chúng ta vẫn còn sức khỏe”, anh Nurdin nói.
Indonesia đang là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh căng thẳng tại nhiều địa phương khiến hệ thống y tế tại nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Mỗi ngày, Indonesia có tới hàng nghìn ca nhiễm bệnh và trăm đám tang. Trong ngày 7/7 vừa qua, nước này ghi nhận tới 34.379 ca mắc Covid-19 và 1.040 ca tử vong chỉ trong vòng 24h. Đây là ngày thứ 3 và thứ 4 liên tiếp ghi nhận ca nhiễm và ca tử vong ở mức cao kỷ lục.