Cảnh giác thủ đoạn giả danh cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Để nhanh chóng lấy được tiền, nhóm đối tượng còn yêu cầu nạn nhân quay, chụp tin nhắn mật khẩu, mã OTP cho chúng. Với dữ liệu này, nhóm lừa đảo nhanh chóng chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng và trục lợi.
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc cho người dân.
Mới đây nhất, một nạn nhân của vấn nạn này đã liên hệ tới cơ quan chức năng vì không may mắc bẫy lừa đảo và bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền lớn. Khi vụ việc xảy ra, nạn nhân bị các đối tượng giả mạo cán bộ cơ quan chức năng uy hiếp về tinh thần nên đã không trình báo, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý cho tới khi biết mình bị mắc lừa.
Cụ thể, theo cơ quan chức năng, nạn nhân nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ và người này tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng này nói rõ tên tuổi, năm sinh, số căn cước công dân và khẳng định đang giữ lệnh bắt, truy nã nạn nhân khiến nạn nhân hoảng sợ và bị uy hiếp tinh thần.
Sau khi nắm bắt được tâm lý của nạn nhân, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân mở tài khoản điện tử (Internet banking) tại một ngân hàng chi nhánh trên địa bàn; đồng thời rút tiền ở sổ tiết kiệm để nạp vào tài khoản mới nhằm so sánh, đối chứng.
Lợi dụng sự tin tưởng của nạn nhân, đối tượng hẹn trong 24 giờ đồng hồ sẽ hoàn trả lại đúng số tiền đã gửi, thậm chí đền bù số tiền lãi hòng dụ nạn nhân rút hết tiền tiết kiệm và nạp vào tài khoản Internet banking mới mở trên. Toàn bộ quá trình này đều sẽ bị các đối tượng thúc ép và theo dõi qua điện thoại.
Để nhanh chóng lấy được tiền, nhóm đối tượng còn yêu cầu nạn nhân quay, chụp tin nhắn mật khẩu, mã OTP cho chúng. Với dữ liệu này, nhóm lừa đảo nhanh chóng chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng và trục lợi.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an trước đó đã phát đi cảnh báo về việc giả mạo cán bộ Nhà nước, cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án,.... nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trục lợi.
Theo đó, cơ quan Công an khuyến cáo, mọi người dân khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát hoặc các cơ quan chức năng yêu cầu phối hợp làm việc thì không nghe theo. Cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân và không có quy định nào yêu cầu người dân nộp tiền qua điện thoại.
Các ngân hàng, đơn vị khi phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của người dân, khách hàng như lo lắng, bồn chồn, các giao dịch không minh bạch thì cần quan tâm hỏi han, động viên, tìm hiểu kỹ sự việc trước khi chuyển tiền.