Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, dọa khóa sim để đánh cắp thông tin
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác; khi tiếp nhận cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ đề nghị làm theo việc gì đó thì phải kiểm chứng, xác minh để tránh trở thành nạn nhân cho tội phạm lừa đảo.
Từ ngày 15/3, các nhà mạng bắt đầu gửi tin nhắn cho những thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin để yêu cầu người dùng cập nhật dữ liệu. Trong 15 ngày nhận thông báo mà chủ thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa sẽ bị khóa một chiều; khóa hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo; thậm chí sẽ chấm dứt hợp đồng nếu không cập nhật trong 30 ngày tiếp theo.
Trước động thái này của các nhà mạng, ngay trong ngày 15/3, nhiều người dùng phản ánh đã nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, thậm chí từ quốc gia khác, thông báo về việc thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin, nếu không làm theo hướng dẫn sẽ bị khóa vĩnh viễn. Kịch bản chung là một cuộc gọi tự động thông báo họ sắp bị khóa thuê bao sau hai giờ, sau đó yêu cầu bấm số để biết thêm chi tiết. Đầu bên kia xưng là người của "Cục Viễn thông" hoặc "Trung tâm quản lý nhà mạng", hỏi thuê bao có phải sim chính chủ không, đồng thời yêu cầu đưa thông tin như tên tuổi, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống.
Trao đổi báo chí về vấn đề này, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác; khi tiếp nhận cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ đề nghị làm theo việc gì đó thì phải kiểm chứng, xác minh để tránh trở thành nạn nhân cho tội phạm lừa đảo. Hiện tại, tội phạm lừa đảo có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ít cập nhật thông tin xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng thường dùng sim rác, tài khoản ngân hàng đi thu mua không chính chủ để phạm tội, do đó, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Sắp tới, các nhà mạng tiến hành chuẩn hóa thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý, truy xét tội phạm.
Trước đó, đại diện các nhà mạng cũng đã có quy trình hướng dẫn khách hàng thực hiện chuẩn hóa dữ liệu cá nhân; đồng thời, lưu ý người dùng chỉ làm theo các tin nhắn, cuộc gọi chính thức từ các nhà mạng để không bị lừa đảo.