Cảnh báo nguy cơ thảm họa môi trường từ tàu hàng bị chìm ở Biển Đỏ
Với hàng chục nghìn tấn phân bón, tàu chở hàng Rubymar chìm trên Biển Đỏ có thể gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng.
Giới chuyên gia đánh giá nhiên liệu và chất hóa học rò rỉ có thể gây hại sinh vật biển, đồng thời ảnh hưởng đến các cộng đồng cư dân ven biển sống dựa vào nghề đánh cá.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết tàu Rubymar do tập đoàn Blue Fleet Group (Liban) vận hành chở 21.000 tấn phân bón amoni photphat sunfat đã bị trúng tên lửa của lực lượng Houthi ngày 18/2 vừa qua. Vụ tấn công làm hư hại thân tàu và tàu bắt đầu chìm dần từ ngày 2/3.
Ông Abdulsalam al-Jaabi - chuyên gia thuộc cơ quan bảo vệ môi trường của Chính phủ Yemen - cảnh báo "ô nhiễm kép" có thể ảnh hưởng đến 500.000 người dân sống ở các vùng duyên hải nước này.
Ông giải thích: “Đầu tiên là ô nhiễm dầu do lượng lớn dầu mazut trên tàu - ước tính lên tới hơn 200 tấn. Nguy cơ ô nhiễm thứ hai là phân bón có khả năng hòa tan cao và có thể gây hại cá và các sinh vật sống ở biển như rạn san hô và rong biển". Theo quan chức này, tình trạng ô nhiễm có thể gây thiệt hại kinh tế "đáng kể", đặc biệt là đối với các cộng đồng ven biển phụ thuộc vào đánh bắt cá để sinh tồn.
Theo ông Roy Khoury - Giám đốc điều hành của Blue Fleet Group, kế hoạch lai dắt tàu Rubymar đã thất bại sau khi chính quyền tại thành phố cảng Aden (Yemen), Djibouti và Saudi Arabia từ chối tiếp nhận tàu.
Theo Bộ trưởng Giao thông Yemen - ông Abdulsalam Humaid cho biết chính quyền tại Aden từ chối do "lo ngại về thảm họa môi trường". Djibouti cũng đưa ra lý do tương tự, trong khi chính quyền Saudi Arabia chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Ông Julien Jreissati - Giám đốc của Tổ chức Hòa bình Xanh phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi cảnh báo: “Nếu không hành động ngay lập tức, tình trạng này có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng môi trường lớn. Tàu chìm có thể khiên thân tàu bị thủng nhiều hơn và nước tiếp xúc với hàng nghìn tấn phân bón. Điều này sẽ "phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái biển, gây ra một chuỗi hiệu ứng không thể tránh khỏi đối với toàn bộ mạng lưới thực phẩm".
Theo đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Hans Grundberg, 5 chuyên gia của Chương trình Môi trường LHQ sẽ tới Yemen trong tuần này để tiến hành đánh giá tình hình với sự phối hợp của Bộ Môi trường Yemen.
Hệ sinh thái phía Nam Biển Đỏ, nơi vụ chìm tàu xảy ra, được biết đến là khu vực có nhiều rạn san hô nguyên sơ, rừng ngập mặn và sinh vật biển đa dạng. Năm 2023, khu vực này đã tránh được thảm họa môi trường tiềm tàng khi Liên hợp quốc loại bỏ hơn 1 triệu thùng dầu từ tàu FSO Safer neo đậu ngoài khơi bờ biển Yemen trong trạng thái mục nát.