Cảnh báo nguy cơ cong, vẹo cột sống ở học sinh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, trong đợt khám sàng lọc bốn bệnh tật học đường gần đây, hơn một nửa số học sinh thuộc 5 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở tại các huyện Chư Păh, Chư Prông và Ia Pa có dấu hiệu cong vẹo cột sống. Đây là bệnh tật học đường có tỷ lệ cao nhất, theo sau là sâu răng, tật khúc xạ, thấp còi, gầy còm…
Các bác sỹ trong đoàn khám sàng lọc xác định, nguyên nhân gây cong, vẹo cột sống ở trẻ em có thể là do tư thế ngồi học không đúng, mang vác quá nặng, kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi hoặc do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng…; đồng thời có mối liên quan giữa bệnh tật học đường với điều kiện vệ sinh lớp học.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân dẫn đến phát sinh một số bệnh tật học đường, đặc biệt là tật khúc xạ và cong vẹo cột sống là do ánh sáng không đủ, quy cách và kích thước bàn ghế không còn phù hợp với sự phát triển thể lực của học sinh. Để giúp trẻ cải thiện và giảm các tác hại do cong, vẹo cột sống, các bác sỹ đã kiến nghị nhà trường, gia đình trẻ cần có các biện pháp can thiệp sớm và lâu dài.
Ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai nhận định, bệnh học đường liên quan đến cong, vẹo cột sống trên địa bàn là vấn đề đáng báo động và cần được quan tâm, phòng ngừa, can thiệp kịp thời. Qua các đợt khám sàng lọc tại các trường học, các em mắc cong, vẹo cột sống ở trường cấp Trung học Cơ sở chiếm tỷ lệ cao hơn so với cấp Tiểu học. Vì vậy, nhà trường và cha mẹ học sinh cần quan tâm, nhắc nhở, điều chỉnh tư thế ngồi học cho các em.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến nghị, các trường học cần có nhân viên y tế để công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh được thuận lợi. Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai chương trình khám sàng lọc sức khỏe học đường cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch tham mưu với Sở Y tế phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe học đường cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Ông Trần Bá Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay nhiều trường ở các địa phương vẫn còn sử dụng các bộ bàn học được đóng bằng gỗ từ 20 năm trước, không còn phù hợp với thể chất của học sinh. Một số nhà trường chủ động cải tạo bàn ghế bằng cách đóng thêm vào chân bàn, chân ghế những khúc gỗ ngắn để các em có thể ngồi học thoải mái hơn.
Theo ông Công, để giảm bớt bệnh tật học đường, Chính phủ đã có chủ trương nâng cao chất lượng học đường trong đó có vấn đề về thay đổi cơ sở vật chất trong trường học. Theo lộ trình, Gia Lai sẽ dần dần thay thế, thay đổi trang thiết bị cho các trường học trong thời gian tới.