Cần cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, bắc sông Hồng
Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp cùng với đó là các trận mưa lớn không theo quy luật thời gian qua đã khiến hệ thống thoát nước ở TP Hà Nội quá tải. Theo các chuyên gia đô thị, đã đến lúc Thủ đô cần có những giải pháp quyết liệt hơn.
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Thị Mai Hương, quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725 ngày 10/5/2013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ và Long Biên.
Đến nay, hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực: Sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 thuộc địa bàn 8 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Còn lại các khu vực khác như: Tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ, các quận: Long Biên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.
Cụ thể: Trạm bơm Liên Mạc (công suất 170m3/giây), trạm bơm Gia Thượng và Cự Khối (tổng công suất 65m3/giây). Hiện đang đầu tư trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/giây chưa hoàn thiện thi công kênh dẫn La Khê. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày cùng hệ thống thu gom nước thải cũng chưa hoàn thiện. Sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét, kè sông là những nguyên nhân chính chưa đảm bảo công tác thoát nước cho TP Hà Nội.
Hiện tại Thành phố đã giải quyết được 5/16 điểm ngập úng trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại đã có giải pháp theo các dự án đã và đang xin chủ trương thực hiện. Ngoài ra, hệ thống thoát nước tại các ngõ, ngách 12 quận nội thành đầu tư từ lâu đã xuống cấp. Các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, nhiều khu vực đô thị hóa chưa có hệ thống thoát
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, những năm gần đây, tình hình phát triển đô thị nhanh, trong khi hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ.
Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70 mm/h sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa đến 100 mm/h xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách khu dân cư và cục bộ một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, do các điểm úng ngập ở vị trí điểm trũng, xa nguồn xả, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra các điểm ngập cục bộ.
Hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch.
Lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán và khả năng của hệ thống thoát nước hiện trạng, làm cho hệ thống thoát nước luôn quá tải dẫn đến thời gian tập trung nước vào hệ thống nhanh, gây ra úng ngập cục bộ.
Quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp đặc biệt khu vực ngoại thành đối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Hệ thống hồ điều hòa theo quy hoạch còn thiếu, nhiều ao hồ trong nội thành bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị.
Thời gian tới, Ban cán sự Đảng UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị nghiên cứu, đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài, như đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị, nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc Sông Hồng…
Cùng với đó, khảo sát và đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long; phối hợp với một số quận, huyện nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đúng là trong thời gian vừa qua, tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn dù đã được địa phương quan tâm nhưng chưa được giải quyết cơ bản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó 5 nguyên nhân chính được chỉ ra gồm: Tác động từ biến đổi khí hậu; Đô thị hóa nhanh chóng, tình trạng bê tông hóa ảnh hưởng đến thoát nước; Công tác quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị nhanh chóng; Các dự án thoát nước theo quy hoạch còn hạn chế; Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đô thị, trong đó có thoát nước chưa đạt yêu cầu.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trước mắt, các Bộ ngành liên quan cần tập trung xem xét, rà soát điều chỉnh các quy hoạch để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống quy hoạch, có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Cùng đó, tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra.