Các chuyên gia cảnh báo bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Tính tới ngày 26 tháng 5 năm 2022, toàn thế giới ghi nhận khoảng hơn 620 ca viêm gan không rõ nguyên nhân (hay còn được gọi là viêm gan bí ẩn) ở trẻ nhỏ từ hơn 31 quốc gia trên thế giới, tập trung nhiều ở Mỹ, châu Âu và một số quốc gia châu Á.
Các trường hợp nhiễm bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng, dấy lên mối lo ngại không nhỏ đối với ngành Y tế toàn cầu.
1.Tình hình bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Nguồn gốc viêm gan bí ẩn
Các ca bệnh viêm gan bí ẩn đầu tiên được báo cáo tại Scotland vào cuối tháng 3 năm 2022 ở nhóm 14 trẻ em mắc viêm gan bất thường và có dấu hiệu chuyển biến nghiêm trọng. Các ca bệnh này được chẩn đoán không phải do virus thông thường gây ra.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tiến sĩ Jay Bitler, Phó giám đốc về các bệnh truyền nhiễm CDC Hoa Kỳ cho biết các trường hợp mắc viêm gan bí ẩn có thể đã xuất hiện từ tháng 10 năm 2021.
Trong khi đó, CDC Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo tới các bác sĩ lâm sàng và các cơ sở y tế toàn quốc về cuộc điều tra liên quan tới 9 trẻ nhỏ ở Alabama được xác định viêm gan và nhiễm virus Adeno. Những ca bệnh này được ghi nhận từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 2 năm 2022.
Cả 9 ca bệnh được ghi nhận ở Alabama đều có kết quả dương tính với virus Adeno, một loại virus phổ biến gây cảm cúm, cảm lạnh nhẹ hoặc các vấn đề đường ruột, dạ dày.
Tình hình bệnh
Đa phần các ca bệnh được ghi nhận tập trung chủ yếu ở Vương quốc Anh (163 ca), Mỹ (180 ca), Tây Ban Nha (22 ca), Israel (12 ca), Ý (9 ca), Đan Mạch (6 ca)... Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện chưa được phát hiện và báo cáo.
Theo báo cáo của cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), trong số hơn 160 ca nhiễm bệnh ở nước này, có 91 trên 126 ca bệnh được xét nghiệm virus Adeno và có tới hơn 70% trong số này cho kết quả dương tính. Đồng thời, hơn một nửa số ca bệnh tại Mỹ cũng cho kết quả dương tính với virus Adeno.
Ngày 9/5/2022, giới chức y tế Indonesia cũng cho biết nước này đã ghi nhận 15 ca nhiễm viêm gan bí ẩn và có 3 ca tử vong trước đó 2 tuần. Singapore cũng ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại nước này.
Đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc viêm gan bí ẩn nào ở trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Chó có là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em?
Phần lớn các nghiên cứu được thực hiện gần đây đều cho thấy rằng virus Adeno có ảnh hưởng đến sự gia tăng số ca nhiễm trên thế giới. Virus Adeno là loại virus gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm kết mạc, rối loạn tiêu hóa,... Đây cũng là một chủng virus có thể lây sang chó, là một trong số các nguyên nhân gây viêm gan truyền nhiễm.
Theo khảo sát của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), trong 92 ca viêm gan được ghi nhận ở nước này có tới 64 ca bệnh từng tiếp xúc với chó. Cơ quan này cho rằng đây là một phát hiện quan trọng trong quá trình điều tra nguồn gốc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
Giới chức Y tế Anh cũng lưu ý thêm rằng, việc nuôi chó vô cùng phổ biến ở Anh và dữ liệu điều tra tỷ lệ sở hữu vật nuôi trong các gia đình có trẻ nhỏ vẫn còn hạn chế nên rất khó để đưa ra đánh giá cụ thể.
Đa số ý kiến cho rằng mối liên hệ giữa chó và bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ không lớn nhưng còn quá sớm để loại bỏ bất cứ khả năng nào có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Trước vấn đề tranh cãi này, giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London cho biết ông không thể đưa ra bất cứ giải thích thỏa đáng nào về mối liên hệ giữa chó và bệnh viêm gan ở trẻ em.
Ông cũng cho biết thêm: “Những con chó mang virus Adeno, bao gồm CAV-1 - một nguyên nhân gây bệnh gan ở chó nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy CAV-1 có thể lây sang người”.
Siêu kháng nguyên COVID-19 có thể gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ?
Theo thông tin mới nhất trên tạp chí y học Lancet, hơn 300 ca nhiễm viêm gan bí ẩn trên thế giới hiện nay có thể có liên quan tới siêu kháng nguyên COVID-19.
Ở các ca bệnh đã được báo cáo, hầu hết trẻ em xuất hiện triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa ở giai đoạn đầu, sau đó bị vàng da và một số trường hợp mắc suy gan cấp tính. Tuy nhiên, các ca bệnh nêu trên đều không phát hiện virus viêm gan A, B, C, D, E.
Các nhà khoa học cho rằng các ca viêm gan cấp tính gần đây có thể là hậu quả của COVID-19 để lại. Sau khi nhiễm virus này, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện một ổ chứa virus ở đường ruột, sau đó sẽ có khả năng nhiễm virus Adeno.
Ổ chứa này có thể dẫn tới khả năng kích hoạt các tế bào miễn dịch trung gian siêu kháng nguyên lặp lại. Lúc này, tác động qua trung gian của loại siêu kháng nguyên này có thể trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến những bất thường trong hệ miễn dịch.
Israel cũng ghi nhận 12 trường hợp được chẩn đoán mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ. Các chuyên gia y tế nước này cho rằng sau khi loại trừ các khả năng thì điểm chung của các ca bệnh này là đều đã từng mắc COVID-19 khoảng 3 tháng rưỡi trước khi bệnh viêm gan khởi phát. Điều này có nghĩa là những trường hợp mắc viêm gan không rõ nguyên nhân này có thể là một trong những triệu chứng lâu dài của COVID-19.
Vắc xin COVID-19 có liên quan đến viêm gan bí ẩn?
Các loại vắc xin phổ biến cho SARS-CoV-2, hay vắc xin mRNA, có nhiều khả năng tạo ra các protein đột biến hơn so với vi rút tự nhiên.
Một nghiên cứu chuyên sâu được công bố trên Tạp chí Miễn dịch học cho thấy rằng các exosomes biểu hiện các protein tăng đột biến được tạo ra từ cơ thể người cho đến ngày thứ 14 sau khi tiêm chủng mRNA. Những exosomes với các protein đột biến này có thể liên tục tồn tại trong ít nhất bốn tháng.
Đa số trẻ em bị viêm gan cấp tính dưới 5 tuổi, hầu hết đều chưa được tiêm phòng. Vì vậy, về mặt lý thuyết, bệnh viêm gan không thể bị gây ra bởi sự xâm nhập của các protein đột biến của vắc xin vào cơ thể.
Tuy nhiên, mặc dù bản thân những đứa trẻ chưa được tiêm vắc-xin mRNA, có khả năng các protein đột biến có thể đã được truyền với một lượng nhỏ thông qua các exosomes của những người được tiêm chủng (ví dụ như cha mẹ và / hoặc người thân), như khi họ gần gũi với các đứa trẻ trong một thời gian dài. Các protein đột biến cũng có thể gây ra ảnh hưởng cho trẻ em, vì hệ thống miễn dịch của các em vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh. Bắt đầu từ tháng 10 năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng cao ở các quốc gia có nhiều trường hợp mắc bệnh viêm gan ở trẻ em, dao động từ 65% đến 81%.
Tuy nhiên, hiện tại, đây chỉ là suy đoán trên lý thuyết và rất khó để phát hiện ra căn bệnh này ngấm ngầm lây nhiễm, trở nên mãn tính. Do đó, cần có thêm thông tin chi tiết để phân tích sâu hơn.
Nguyên nhân khác khiến hàng loạt trẻ em mắc viêm gan bí ẩn
Theo UKSHA, có khả năng một số yếu tố khác đang đẩy nhanh tốc độ lây nhiễm bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ.
Có giả thuyết cho rằng các biện pháp chống COVID-19 như thực hiện giãn cách xã hội có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch ở trẻ nhỏ vì ít tiếp xúc với các loại mầm bệnh thông thường trong thời gian cách ly.
Một khả năng khác được đưa ra là làn sóng lây nhiễm virus Adeno đặc biệt lớn khiến nhiều biến chứng khi nhiễm loại virus này xuất hiện nhiều hơn hoặc cũng có thể đây là một loại biến thể virus Adeno mới.
3. Những lưu ý về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Lưu ý phòng bệnh
Cho đến nay, nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ vẫn chưa được sáng tỏ nên hiện chưa thể đưa ra khuyến cáo phòng bệnh chủ động, đặc hiệu. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên quá hoang mang vì trẻ có thể hồi phục hoàn toàn sau bệnh. Thay vào đó, việc điều trị sẽ tập trung chủ yếu vào giảm nhẹ các triệu chứng và gan có thể hoàn toàn tự chữa lành mà không để lại di chứng về sau. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách cho con.
Lời khuyên dành cho cha mẹ khi thấy con trẻ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, rối loạn tri giác, mệt mỏi bất thường, ăn không ngon, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, nước tiểu vàng sậm, phân xám, nhợt nhạt, vàng mắt, vàng da, ngứa da, đau cơ khớp,... cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
Theo Tiến sĩ Meera Chand, Giám đốc lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng tại UKHSA, các bậc cha mẹ cần chú ý tới các triệu chứng của bệnh viêm gan đặc biệt là triệu chứng vàng da, gặp ở hơn 70%.
Bà cũng nhấn mạnh thêm các bậc phụ huynh phải biết khả năng con trẻ phát triển bệnh viêm gan cực kỳ thấp nhưng cần phải cảnh giác tới các dấu hiệu của bệnh, hãy để ý tới màu da, màu vàng trong lòng trắng của mắt.
Động thái của Việt Nam
Trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam cũng có động thái chủ động trong công tác giám sát và phòng ngừa để kịp thời triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tối đa số ca mắc hay tử vong.
Mới đây, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur nhanh chóng theo dõi chặt chẽ, tổng hợp và phân tích tình hình dịch tễ bệnh viêm gan bí ẩn, phối hợp với các cơ sở địa phương để lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam cho Cục Y tế dự phòng.
Nguồn thông tin số liệu:
https://tuoitre.vn/cho-la-nguyen-nhan-gay-benh-viem-gan-bi-an-o-tre-em-20220507092317091.htm
https://vnexpress.net/nhieu-tre-mac-viem-gan-bi-an-tung-tiep-xuc-voi-cho-4460979.html