Bộ Y tế quy định đơn thuốc điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy
Theo Bộ Y tế, đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số thông tư về việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.
Khoản 3 Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BYT đã sửa đổi Điều 6 của Thông tư 27/2021/TT-BYT về lộ trình các cơ sở y tế phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử như sau:
Trước ngày 31/12/2022: Áp dụng với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên.
Trước ngày 30/6/2023: Áp dụng với các cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Trong khi theo Thông tư 27/2021/TT-BYT ban hành trước đó, đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022; số còn lại hoàn thành trước ngày 1/12/2022.
Ngoài ra, Điều 10 Thông tư số 52/2017/TT-BYT cũng được sửa đổi thành yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo Thông tư 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021.
Trong khi trước đó, Điều 10 Thông tư 52/2017/TT-BYT chỉ quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kê đơn thuốc: Đơn thuốc được kê trên máy tính 1 lần và lưu trên phần mềm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đối với đơn thuốc "N" và đơn thuốc "H" cần phải in ra cho người bệnh và lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, Thông tư 04/2022/TT-BYT cũng thay thế các mẫu đơn thuốc tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 52/2017/TT-BYT và Thông tư 18/2018/TT-BYT bằng các mẫu đơn thuốc nêu tại Phụ lục ban hành kèm theo.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2022. Các cơ sở khám, chữa bệnh khác (không phải bệnh viện từ hạng 3 trở lên) hiện đang sử dụng đơn thuốc bản giấy theo mẫu cũ thì vẫn được sử dụng tiếp những mẫu đơn bản giấy đã in cho đến ngày 30/6/2023.