Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức BHYT bổ sung
Bên cạnh gói cơ bản như hiện nay, Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung. Đây là loại hình BHYT tự nguyện.
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Theo đó, Bộ Y tế cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỉ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 06 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
Theo Bộ Y tế, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ giúp bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, sự phát triển của xã hội, khả năng chi trả của quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý toàn diện sức khỏe người dân.
Dự án Luật dự kiến có 05 nhóm chính sách bao gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định bảo hiểm tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Không quy định ngay việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT đối với các bệnh cụ thể trong dự thảo Luật nhưng sửa đổi Điều 21 theo hướng giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan quy định theo lộ trình khi đủ điều kiện việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh phù hợp với khả năng cân đối của quỹ BHYT, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ với khái niệm khám bệnh, chữa bệnh mới được điều chỉnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ thực hiện lộ trình ưu tiên theo khả năng cân đối quỹ, việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh lý được ưu tiên mở rộng chi trả bao gồm: ung thư cổ tử cung; ung thư vú, tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B.
Quy định cụ thể máu, khí y tế và các chế phẩm khác để điều trị bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT để bảo đảm tính bao quát, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và thực tế các chế phẩm này (máu và các chế phẩm máu, O2, N2O, chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, tế bào gốc...) không phải là thuốc nhưng hiện đã được dùng để điều trị bệnh trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị và một số đã được Quỹ BHYT thanh toán cần được cập nhật trong Luật BHYT để bảo đảm tính pháp lý cao.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định mang tính nguyên tắc giao Chính phủ quy định về BHYT bổ sung tự nguyện do các cơ sở kinh doanh bảo hiểm thực hiện đối với các đối tượng đã tham gia BHYT bắt buộc để đa dạng hóa các gói quyền lợi theo nhu cầu và khả năng của người dân để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng.
Quy định này có thể giúp tăng nguồn thu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tăng nguồn thu cho cả Quỹ BHYT do việc tham gia BHYT bắt buộc là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung. Giúp tăng tỉ lệ bảo phủ BHYT. Người dân có thêm quyền lợi, được bảo vệ khi mắc bệnh.
Theo Bộ Y tế, năm 2021, có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tỉ lệ tham gia bảo hiểm sức khỏe chiếm khoảng 4%. Dự kiến đến năm 2025, có khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ nên có thể tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm bổ sung trong số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường ước đạt 116.404 tỉ đồng, nếu tăng thêm 4% tương đương với doanh thu 34.921 tỉ đồng, trong đó bảo hiểm sức khỏe/bảo hiểm bổ sung có thể chiếm đến 30% doanh thu tăng thêm.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 22 để điều chỉnh phạm vi mức hưởng BHYT phù hợp với cấp chuyên môn, kỹ thuật và giảm tỉ lệ chi trả khi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật.
Bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định.
Quy định mức hưởng BHYT 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.