Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 10/05/2024 12:42 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chứng chỉ ngoại ngữ bảo đảm chất lượng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng

Theo dõi GĐ&PL trên

Liên quan đến kết quả thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc IDP cấp trái phép hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam, chiều ngày 09/5, Bộ này khẳng định: Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng các kỳ thi và quyền lợi của người dự thi. Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Theo kết quả thanh tra, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cũng đã ban hành Công văn số 889/QLCL- QLVBCC ngày 9/6/2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Như vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.

Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 18/KL-TTr kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (IELTS) với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, trụ sở tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Theo kết luận trên, ngày 17/11/2022, Bộ GD&ĐT mới cho phép IDP cùng các bên Việt Nam liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ, nhưng từ tháng 01/2022, IDP đã tổ chức thi và cấp hàng chục ngàn chứng chỉ IELTS.

Cụ thể, từ 01/01 đến ngày 09/9/2022, IDP tổ chức 458 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành và cấp 46.643 chứng chỉ IELTS. Giai đoạn từ 10/9 - 16/11/2022, IDP tổ chức 97 đợt thi trực tiếp, cùng các kỳ thi trên máy tính ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cấp thêm 9.587 chứng chỉ. Kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ kỳ thi ngày 15/9/2022 tại Tiền Giang, cơ quan thanh tra phát hiện Sở GD&ĐT có Công văn số 1314/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 12/9/2022 cho phép công ty phối hợp tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS. Tại các địa phương khác, Sở GD&ĐT không có công văn đồng ý để công ty phối hợp tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS trên địa bàn.

Như vậy, đã có tổng cộng 56.230 chứng chỉ IELTS của IDP được cấp khi Công ty này chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam).

Cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.
Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo khẩn vụ bằng tiến sĩ của Thượng toạ Thích Chân Quang
Ngày 25/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn hoả tốc số 3136/BGDĐT-GDĐH gửi Trường Đại học Luật Hà Nội, về việc báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt - tức Thượng toạ Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tin mới

Mắc bệnh ngoài da vì nước ngập
Nhiều người Hà Nội trong 2 ngày gần đây đều phải ngâm xe và chân trong nước do ngập úng. Không ít người sau khi trở về nhà đã phải dắt xe đi sửa, đồng thời đi khám bác sĩ vì mắc bệnh ngoài da.