Bất cập tại Cầu vượt Dầu Giây - Bài 3: Từ “điểm nghẽn” giao thông thành “điểm đen” tai nạn
Gần 20 người tử vong, hàng chục người khác mang thương tật suốt đời, thiệt hại tài sản nhiều vô số vì tai nạn giao thông kể từ lúc Cầu vượt Dầu Giây (Thống Nhất, Đồng Nai) được khởi công xây dựng vào năm 2017 đến khi thông xe tạm ngày 8/3/2021 vừa qua.
Tin dữ!
“Cây cầu này thì khỏi nói rồi con, tai nạn liên tục, mấy chục người tử vong rồi. Người ở xa đi ngang qua cũng có, người địa phương cũng có. Con lấy xe đi, chú dẫn con vào nhà ông L.V.C để con hỏi cho dễ”, chú Lợi - hành nghề xe ôm tại Ngã tư (còn gọi là Ngã ba) Dầu Giây nhanh chóng quay xe rồi đưa chúng tôi đi tìm nhà người xấu số.
Sau khoảng 15 phút chạy xe máy tính từ Ngã tư Dầu Giây và hỏi thăm bà con, chúng tôi đến được nhà ông C. ở khu phố Phan Bội Châu, Thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Trước căn nhà cấp 4, cổng khoá trái, không gian vắng lặng, cảnh chiều buồn buồn. Thấy chúng tôi gọi cửa nhiều lần nhưng không có ai phản hồi, những người hàng xóm tốt bụng nhiệt tình giúp đỡ chạy ra sau nhà thông báo cho gia chủ.
Vợ nạn nhân - người phụ nữ đã ngoài 50 không giấu được vẻ buồn bã trong ánh mắt vội vã bước ra mời chúng tôi vào nhà. Sau khi chúng tôi thắp nén nhang tiễn người đã khuất, bà ngập ngừng nhớ lại cái hôm định mệnh ấy.
Đó là một chiều mưa tầm tã tháng Bảy (7/2021). Bà và các con cháu đang ở nhà chờ cơm thì một người hàng xóm hoảng hốt chạy sang hỏi thăm “ông C. đã đi làm về chưa? Có phải ông mặc áo màu này, quần màu kia không?”.
“Đúng!”
“Hình như ông gặp tai nạn ngoài Cầu vượt Dầu Giây?!” – tin dữ loan khắp căn nhà!
Con trai ông C. tức tốc cùng người hàng xóm phóng xe máy ra hiện trường và gục ngã trước thi thể cha đang nằm bất động giữa đường lạnh lẽo, bên cạnh là chiếc xe Dream mà ông vẫn thường dùng để đi làm mỗi ngày. Cách đó không xa là chiếc container gây tai nạn đang đậu bên lề đường, đá xi nhan phải.
Ông C. là thợ hồ, đang làm việc tại một công trình xây dựng cách nhà không quá xa, nằm trên Quốc lộ 20, hướng đi về Lâm Đồng. Thời điểm ấy, ông đang trên đường trở về. Đến khu vực Ngã tư Dầu Giây, ông C. đi thẳng để vào đường ĐT769 thì bị container đi cùng chiều rẽ phải (đi TP.HCM) tông trúng, cuốn vào gầm. Ông C. tử vong tại chỗ.
“Ông nhà hiền lành, siêng năng, chịu khó làm ăn, ở đây ai cũng quý. Hơn 34 năm lấy nhau, ông vẫn yêu thương, lo lắng cho vợ con. Ông đi đột ngột, nhà cửa vắng tiếng ông, buồn lắm con à! Mong ơn trên phù hộ cho ông siêu thoát. Giờ mỗi lần đi qua Ngã tư Dầu Giây, cô đều bị ám ảnh, lo sợ khi nhìn cảnh xe qua xe về, rất nguy hiểm”, vợ ông C. nước mắt lưng tròng, giọng nấc nghẹn.
Ông C. là lao động chính trong gia đình. Kể từ lúc xảy ra chuyện đau lòng, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đặt hết lên vai người con trai lớn năm nay đã ngoài 30 tuổi. Cách đây hơn một tháng, anh vừa mở một tiệm nhôm kính tại nhà nhưng việc làm ăn không mấy thuận lợi bởi dịch bệnh, chỉ lai rai vài dụng cụ nhỏ.
Thời điểm chúng tôi đến, anh cũng vừa trở về từ TP.HCM sau khi gặp khách hàng. “Đến giờ gia đình vẫn chưa nhận được kết luận gì về vụ tai nạn từ cơ quan chức năng nên cũng không biết phải kể cho các anh thế nào. Cái công trình đó thi công kiểu gì mà đường hư hỏng hết, ổ gà tùm lum, đá mi khắp nơi, đèn đóm không có nên tai nạn suốt thôi.
Sau tai nạn, nhà xe có đến thắp nhang và bồi thường ít tiền. Còn chủ đầu tư, nhà thầu thi công thì không một lần xuất hiện. Nguyên nhân trực tiếp là do xe container thì rõ rồi, nhưng việc thi công cầu vượt ẩu cũng phải chịu trách nhiệm, không thể không có được”, con trai ông C. bức xúc.
Ông C. là nạn nhân thứ 17 thiệt mạng vì tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực thi công Cầu vượt Dầu Giây kể từ khi dự án này được khởi công xây dựng vào năm 2017.
“Điểm đen” tai nạn
Ngã tư Dầu Giây là nút giao thông huyết mạch giữa hai tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và các khu vực Tây Nguyên.
Nhiều năm trước đây, Ngã tư Dầu Giây “nổi tiếng” là điểm nghẽn giao thông, ám ảnh giới tài xế. Theo con số thống kê năm 2017, lượng xe lưu thông qua đây là 25.000 lượt ô tô và 30.000 lượt xe máy/ngày. Để giải quyết tình trạng này, dự án Cầu vượt Dầu Giây được phê duyệt sau khi hoàn thành khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 (đoạn Đồng Nai - Lâm Đồng).
Dự án Cầu vượt Dầu Giây do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 2/2017, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, sau 5 năm trễ hẹn, dự án chỉ mới được thông xe tạm vào ngày 8/3 vừa qua.
Thời gian kéo dài, công tác thi công cẩu thả cộng với không đảm bảo an toàn đã khiến nút giao thông Cầu vượt Dầu Giây từ một “điểm nghẽn” trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông, để lại nhiều tang thương, mất mát và bức xúc cho người dân.
Từ năm 2017 đến nay, người dân sinh sống xung quanh khu vực thi công Cầu vượt Dầu Giây đã chứng kiến hàng chục vụ tai nạn giao thông lớn nhỏ làm 19 người thiệt mạng và nhiều người khác mang thương tật suốt đời. Hàng chục ô tô, xe máy hư hỏng nặng, thiệt hại tài sản không đếm xuể.
Ngoài vụ tai nạn làm ông C. tử vong mà chúng tôi đã nêu ở phần đầu thì mới đây nhất, vào cuối tháng 2/2022, một chiếc xe khách di chuyển trên Quốc lộ 1A theo hướng vào TP.HCM, đến Ngã tư Dầu Giây đã tông thẳng vào xe máy của một đôi nam nữ đang dừng đèn đỏ phía trước.
“Hai nạn nhân còn trẻ lắm, chú nghe nói là vợ chồng sắp cưới. Cô gái tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương rất nặng được đưa đi cấp cứu, không biết bây giờ tình hình thế nào rồi?”, chú Lợi thuật lại.
Đây là nạn nhân thứ 19 bởi sự tắc trách trong thi công Dự án Cầu vượt Dầu Giây.
Trước đó, đêm 27/11/2021, người đàn ông trên đường điều khiển xe máy về nhà ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã tông vào các khối bê tông ở khu vực thi công dự án dẫn đến tử vong.
Ngày 4/3/2021, một phụ huynh chở theo con trai 12 tuổi đang trên đường từ trường học về nhà đã bị xe tải chở rau tông trúng. Đứa trẻ ngã xuống đường, bị thương nặng và tử vong sau đó.
Hồi đầu năm 2021, một xe tải khi lưu thông đến khu vực này bất ngờ mất lái do tránh ổ gà trên đường đã lao thẳng vào nhà dân làm thiệt hại nhiều tài sản. Rất may không có thương vong.
Và hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khác đã từng được báo chí phản ánh liên quan đến việc thi công tắc trách Cầu vượt Dầu Giây.
Công an địa phương xác định một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm là do thi công không bảo đảm an toàn, khu vực thiếu đèn chiếu sáng và mặt đường hư hỏng, nhiều ổ gà, ổ voi...
Trao đổi với Phóng viên Ngày Nay về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết: “Các công trình xây dựng trong quá trình triển khai không đảm bảo an toàn giao thông thì trước mắt chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Còn nếu nguyên nhân do người tham gia giao thông thì là chuyện khác”.
Vậy còn trách nhiệm của địa phương ở đâu khi để xảy ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua, biến Ngã tư Dầu Giây từ một “điểm nghẽn” thành “điểm đen”, thưa ông?
“Đối với địa phương, không phải là không có trách nhiệm. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu bố trí lực lượng CSGT điều tiết, phân luồng, hỗ trợ, nhất là những ngày cao điểm.
Chúng tôi cũng rất trăn trở bởi đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tôi cho rằng đây là một cái yếu kém trong công tác tổ chức thực hiện dự án dù cho nguyên nhân khách quan cũng có để tạo ra sự khó khăn cho việc triển khai”, ông Mai Văn Hiền thông tin.
Bất cập tại Cầu vượt Dầu Giây - Bài 4: "Cầu Rùa" chưa xong, cuộc sống người dân còn long đong