Bài đăng, tin nhắn Facebook có thể nhận diện người mắc bệnh tâm thần
Bệnh nhân tâm thần phân liệt sử dụng các từ nhận thức nhiều hơn, như 'nghe', 'thấy' và 'cảm nhận' cùng dấu câu nhấn mạnh.
Viện nghiên cứu Y khoa Feinstein của Northwell Health và các nhà khoa học máy tính của hãng IBM đã sử dụng thuật toán học máy để phát hiện ra "dấu vết ngôn ngữ" của người dùng mạng xã hội.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Partner Journals Schizophrenia cho thấy những người bị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm trạng có nhiều khả năng sử dụng các từ chửi rủa trong tin nhắn Facebook hơn so với người bình thường.
Người bị rối loạn tâm trạng có xu hướng gõ nhiều từ liên quan đến máu và nỗi đau hơn. Họ sử dụng ngôn ngữ thể hiện cảm xúc tiêu cực như "buồn", "thất vọng" và "chán nản" thường xuyên hơn người khỏe mạnh. Trong khi đó, bệnh nhân tâm thần phân liệt sử dụng các từ nhận thức nhiều hơn, như "nghe", "thấy" và "cảm nhận" cùng dấu câu nhấn mạnh.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy các trường hợp bị tâm thần phân liệt đăng ảnh nhỏ hơn người bình thường. Còn những người bị rối loạn tâm trạng thường đăng ảnh chứa nhiều màu xanh lam và ít màu vàng hơn.
Nghiên cứu trên là một phần của lĩnh vực tâm thần học mới, phân tích hành vi và giao tiếp của bệnh nhân trên mạng xã hội. Nhờ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán cũng như can thiệp kịp thời, giúp bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập hơn 3,4 triệu tin nhắn Facebook và hơn 140.000 hình ảnh được đăng tải bởi 223 người tham gia được tuyển chọn cho nghiên cứu bởi Northwell.
Nhóm người tham gia có độ tuổi từ 15 đến 35, bao gồm 79 bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần phân liệt, 74 người mắc chứng rối loạn tâm trạng và 70 người khỏe mạnh.
Michael Birnbaum, giám đốc chương trình điều trị sớm của Northwell Health cho biết: "Có nhiều hứa hẹn trong nghiên cứu hiện tại về mối quan hệ giữa hoạt động trên mạng xã hội và sức khỏe hành vi. Kết quả của chúng tôi đã chứng minh rằng các thuật toán học máy có khả năng xác định những tín hiệu liên quan đến bệnh tâm thần. Bằng cách tích hợp dữ liệu trên vào lĩnh vực tâm thần học, chúng tôi hi vọng sẽ giúp nhiều bệnh nhân được điều trị sớm hơn".
Birnbaum, một bác sĩ tâm thần trẻ em, lưu ý rằng các rối loạn tâm thần thường bộc lộ từ từ trong một vài năm. Vì vậy, việc phân tích tin nhắn và bài đăng trên mạng xã hội có thể giúp phát hiện sớm và cải thiện việc điều trị.
Ông chia sẻ: "Chẩn đoán sớm là một trong những thách thức lớn nhất của ngành tâm thần học. Bạn có thể sử dụng thông tin này để xác định các yếu tố rủi ro. Về cơ bản, phân tích phức tạp như vậy có thể được dùng để giúp xác định mối nguy về hành vi tự tử hay những hình thức bạo lực khác. Tại phòng khám tâm thần, chúng tôi thường gặp những người có nguy cơ làm điều nguy hiểm".
Ngược lại, Birnbaum cho biết, việc xem xét tin nhắn trên Facebook cũng có thể cung cấp thông tin có giá trị về việc bệnh nhân có tiến bộ hay không vì "hòa nhập với cộng đồng là một phần quan trọng của quá trình hồi phục".
Birnbaum nhấn mạnh rằng việc sử dụng cách phân tích mới mà vẫn tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân là rất quan trọng. Các bác sĩ cần nhận được sự đồng ý của bệnh nhân để có quyền truy cập vào "dấu vết ngôn ngữ" của họ.