Apple, Google and Meta đối mặt với điều tra đồng loạt của EU
Liên minh châu Âu (EU) đã mở các cuộc điều tra đối với công ty công nghệ là Apple, Google và Meta vì nghi ngờ rằng những 'gã khổng lồ' này không tuân thủ chặt chẽ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA).
Theo hãng CNN, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số là một bộ quy tắc rộng rãi áp dụng đối với các công ty công nghệ lớn cung cấp "dịch vụ nền tảng cốt lõi" mà đạo luật này gán mác là "người gác cổng," theo đó yêu cầu các công ty tuân thủ một loạt quy định. Vi phạm các quy định của DMA có thể khiến các công ty phải đối mặt những khoản phạt tài chính nặng nề.
Cụ thể, Ủy ban Châu Âu cho biết họ "nghi ngờ" rằng các hoạt động khác nhau của cả ba công ty trên "không tuân thủ nghiêm ngặt" theo quy định Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), có hiệu lực vào đầu tháng này.
Ủy viên Thị trường Nội địa EU Thierry Breton khẳng định nếu các cuộc điều tra phát hiện ra "sự thiếu tuân thủ đầy đủ", những công ty công này có thể phải đối mặt với "các hình phạt nặng nề".
DMA cũng yêu cầu các nền tảng trực tuyến thống trị phải cung cấp cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn và các đối thủ có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn. Đạo luật hiện áp dụng cho ba gã khổng lồ công nghệ đang bị điều tra, cũng như Amazon (AMZN), Microsoft (MSFT) và ByteDance, công ty mẹ Trung Quốc của TikTok.
EU cho biết, đến giữa tháng 5, danh sách này cũng có thể bao gồm cả mạng xã hội X của Elon Musk và Booking.com.
Việc vi phạm luật mới có thể dẫn đến các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm phạt tiền lên tới 10% doanh thu toàn cầu của công ty và lên tới 20% nếu tái phạm. Số tiền thậm chí có thể lên tới hàng chục tỷ đô la đối với những công ty vi phạm.
Điều tra việc tuân thủ DMA
Các hoạt động mà Ủy ban Châu Âu đang điều tra sẽ đánh giá cách tiếp cận "trả tiền hay chấp thuận" của Meta. Tháng 10 năm ngoái, Meta (META) đã ra mắt dịch vụ đăng ký có tên "Đăng ký không có quảng cáo", cho phép người dùng Facebook và Instagram ở Châu Âu trả tới 14 USD mỗi tháng cho các phiên bản không có quảng cáo.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu lo ngại mô hình "trả tiền hay chấp thuận" không đảm bảo quy định về dữ liệu cá nhân, trong trường hợp người dùng chọn không trả tiền.
Về phía Meta, Người phát ngôn của công ty công nghệ này đã trả lời: "Đăng ký thay thế cho quảng cáo là một mô hình kinh doanh lâu đời trong nhiều ngành và chúng tôi đã thiết kế 'Đăng ký không có quảng cáo' để giải quyết một số nghĩa vụ pháp lý chồng chéo, bao gồm cả DMA. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban.
"Chúng tôi nghi ngờ các giải pháp được đề xuất bởi ba công ty không tuân thủ đầy đủ DMA. Giờ đây, chúng tôi sẽ điều tra các công ty để đảm bảo thị trường kỹ thuật số mở và có tính cạnh tranh ở châu Âu", Margrethe Vestager, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu, nói.
EU cũng đang xem xét các cửa hàng ứng dụng do Apple (AAPL) và Google điều hành. DMA tuyên bố rằng các nền tảng kỹ thuật số lớn - được gọi là người gác cổng - phải cho phép các nhà phát triển ứng dụng hỗ trợ người tiêu dùng cung cấp miễn phí, ngoài hai cửa hàng thống trị.
Trong số những lo ngại khác, EU cũng nghi ngờ rằng Apple và Alphabet, công ty mẹ của Google (GOOGL), hạn chế khả năng của các nhà phát triển "trong việc giao tiếp tự do (với người dùng cuối) và quảng bá các ưu đãi cũng như trực tiếp ký kết hợp đồng, bao gồm cả việc áp đặt các khoản phí khác nhau", Ủy ban cho biết.
"Chúng tôi lo ngại Alphabet, Apple & Meta không đáp ứng cam kết. Chẳng hạn như Apple & Alphabet vẫn tính phí định kỳ đối với các nhà phát triển ứng dụng," ông Margrethe Vestager nhấn mạnh.
Ủy ban Châu Âu cho biết "màn hình lựa chọn" của Apple dành cho Safari cũng đang được điều tra thêm. Theo DMA, Apple phải nhắc người dùng với "màn hình lựa chọn cho phép lựa chọn dịch vụ mặc định thay thế một cách hiệu quả và dễ dàng, chẳng hạn như trình duyệt hoặc công cụ tìm kiếm trên iPhone".
Trong một tuyên bố, Apple vẫn khẳng định chúng tôi luôn tuân thủ DMA và sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban Châu Âu khi họ tiến hành điều tra.
Bên cạnh đó, mối quan ngại khác của Ủy ban là công cụ "Tìm kiếm" của Google. Alphabet có thể chưa làm đủ để đảm bảo rằng các dịch vụ của bên thứ ba xuất hiện trong kết quả tìm kiếm được đối xử "một cách công bằng và không phân biệt đối xử" so với các dịch vụ của chính Alphabet, chẳng hạn như Google Mua sắm và Google Chuyến bay.
Về phía Oliver Bethell, Giám đốc điều hành cạnh tranh của Google khẳng định vẫn tuân thủ đầy đủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số,. Chúng tôi đã thực hiện những thay đổi đáng kể về cách thức hoạt động các dịch vụ ở Châu Âu.
"Chúng tôi đã hợp tác với Ủy ban Châu Âu, các bên liên quan và bên thứ ba trong hàng chục sự kiện trong năm qua để tiếp nhận và phản hồi cũng như cân bằng các nhu cầu xung đột trong hệ sinh thái. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ cách tiếp cận của mình trong những tháng tới", ông Oliver Bethell nói thêm./.