Ấn Độ sắp hành quyết nữ tử tù đầu tiên giết 7 người trong gia đình
Với tội danh giết chết 7 người trong gia đình, Shabnam Ali là nữ tử tù đầu tiên trong hơn 70 năm qua bị giới chức Ấn Độ hành quyết bằng cách treo cổ.
Shabnam Ali bị kết án tử hình vì sát hại 7 thành viên trong gia đình vào tháng 4/2008. Kẻ tiếp tay cho người phụ nữ 38 tuổi này là Saleem, người tình của cô ả.
Được biết, hai người đã nảy sinh tình cảm với nhau và dự định kết hôn, nhưng bị gia đình Shabnam phản đối kịch liệt. Để có thể tự do yêu đương, cặp đôi máu lạnh liền đánh thuốc mê cả gia đình, gồm cha mẹ, hai anh em trai và vợ của họ rồi dùng rìu bổ các nạn nhân đến chết.
Vụ án mạng thảm khốc xảy ra tại nhà riêng của gia đình Shabnam ở Amroha, cách thủ phủ Lucknow 380 km. Vào thời điểm gây án, Shabnam từng là giáo viên tiểu học và đang có thai với Saleem. Thế nhưng, cô ta vẫn nhẫn tâm bóp cổ đứa cháu mới tròn 10 tháng tuổi, khiến bé chết ngạt.
Tòa án địa phương ở Amroha tuyên án tử hình đối với cả hai người vào năm 2010. Sau đó, toà án cấp cao tại bang Allahabad giữ nguyên bản án. Năm 2015, họ nộp đơn kháng cáo lên toà án tối cao nhưng thất bại. Đến năm 2016, Shabnam tiếp tục viết đơn xin ân xá gửi đến Tổng thống Ấn Độ lúc bấy giờ là Pranab Mukherjee, song vẫn bị bác bỏ. Vào tháng 1 vừa qua, Toà án Tối cao Ấn Độ cũng từ chối nguyện vọng được ân xá của Shabnam.
Tuần trước, truyền thông địa phương đưa tin nhà tù quận Mathura, cơ sở duy nhất ở Ấn Độ được giao nhiệm vụ hành quyết các nữ tù nhân, đang chuẩn bị tử hình Shabnam. Tuy nhiên, ngày thực thi quyết định chưa được xác nhận, bởi họ chưa nhận được lệnh từ toà án Amroha.
Taj, cậu con trai 12 tuổi của Shabnam và Saleem, đang cố gắng trong vô vọng để cứu mẹ khỏi bị treo cổ, bao gồm cả việc gửi đơn kháng cáo cho Tổng thống Ram Nath Kovind. Được biết, em sinh ra trong nhà tù và hiện đang sống cùng cha mẹ nuôi.
Chia sẻ với truyền thông địa phương, chú của Shabnam tuyên bố ông sẽ không nhận lại thi thể cháu gái sau khi cô ta chết. "Lúc xảy ra thảm án, chúng tôi không có mặt ở nhà. Khi đến đó lúc 2h sáng, tôi thấy máu và các mảnh thi thể vương vãi khắp nơi. Tội ác này là không thể tha thứ", ông nói.
Kể từ khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, hầu hết các vụ hành quyết diễn ra tại bang Uttar Pradesh. Theo thống kê của Đại học Luật Quốc gia ở Delhi, bang đông dân nhất của Ấn Độ đã hành quyết 354 người, con số cao thứ hai được ghi nhận ở Haryana (90 người) và Madhya Pradesh (73 người). Chỉ tính riêng trong năm 2018, các toà án ở Ấn Độ đã tuyên 162 án tử hình, con số cao đạt đỉnh trong vòng hai thập kỷ qua.