90% trẻ không tự nhiên đứng top đầu lớp, có 4 thói quen khiến trẻ lười thành học giỏi trong 3 tháng
Trẻ hình thành các thói quen tốt, sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức, cải thiện kết quả học tập.
Sắp đến kỳ năm học mới, nhiều bậc phụ huynh sẽ băn khoăn không biết có nên cho con đi học thêm hay không, bởi lo lắng trẻ sẽ bị thụt lùi so với các bạn.
Thực tế, kết quả học tập của trẻ có tốt hay không phần lớn ảnh hưởng từ những thói quen, nếu trẻ quá phụ thuộc vào việc học thêm, nhưng không chú ý nghe kỹ bài học ở trường, cũng sẽ bỏ lỡ kiến thức quan trọng.
Vì vậy, tốt hơn hết bố mẹ nên nuôi dưỡng một số thói quen tốt cho con, khoảng từ 3 tháng trở lên. Thói quen học tập tốt có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời.
Hãy rèn luyện cho trẻ thói quen xem trước bài học
Trước khi học nội dung mới, việc xem trước có thể giúp trẻ hiểu sơ bộ về kiến thức. Trẻ có thể nghe bài giảng một cách tập trung, đồng thời có thể hiểu và tiếp thu tốt hơn những kiến thức chính trên lớp.
Bố mẹ nên kiên nhẫn giao tiếp để trẻ hiểu tầm quan trọng của việc xem trước. Hướng dẫn trẻ lập kế hoạch xem trước hàng ngày dựa trên tiến độ học tập của mình, đồng thời làm rõ chủ đề, nội dung và thời gian xem trước. Việc này giúp trẻ chủ động hơn trong quá trình học tập, tăng sự tập trung và động lực học tập.
Một số trường thường sắp xếp bài tập về nhà trước khi học, lúc này bố mẹ có thể giúp trẻ tối ưu hóa nó hơn nữa. Ví dụ, trẻ có thể xem qua các bài tập về nhà trước khi lên lớp, tìm hiểu các khái niệm chính và những phần chưa hiểu. Sau đó, trên lớp, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức mới và tập trung hơn vào việc thảo luận, giải quyết các vấn đề khó.
Tất nhiên, bố mẹ cũng nên dạy trẻ một số phương pháp xem trước khoa học, chẳng hạn như đọc qua sách giáo khoa trước, đánh dấu những gì không hiểu, kiểm tra tài liệu tham khảo có liên quan và cố gắng làm một số bài tập đơn giản trước. Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen học tập tích cực và hiệu quả hơn trong tương lai.
Rèn luyện cho trẻ thói quen lắng nghe cẩn thận
Lớp học là môi trường quan trọng nhất để trẻ tiếp thu các kiến thức cần thiết. Vì vậy, việc dạy trẻ tập trung và làm theo ý của giáo viên sẽ giúp đạt được hiệu quả học tập gấp đôi với một nửa công sức.
Để đạt được điều này, việc lắng nghe cẩn thận trong lớp học rất quan trọng. Bố mẹ có thể tạo một không gian học tập yên tĩnh, sạch sẽ tại nhà, giúp trẻ có thể tập trung hơn khi học tập.
Ngoài ra, việc chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập trước khi đến trường cũng sẽ tránh tình trạng mất tập trung khi phải tìm kiếm trong lớp. Bố mẹ nên nhắc nhở con về những nội quy cần tuân thủ trong lớp, như không nói chuyện tùy hứng, không làm những động tác nhỏ,...
Quan trọng hơn, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ cách lắng nghe bài học đúng cách, nắm bắt những điểm chính, đặt câu hỏi kịp thời, trả lời câu hỏi, ghi chép và các kỹ năng nghe khác. Việc này sẽ giúp trẻ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn trong lớp học.
Nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và khả năng học tập độc lập
Nhiều phụ huynh lo lắng nên thường làm thay con mọi việc, tuy nhiên điều này vô tình làm giảm khả năng độc lập ở trẻ.
Bố mẹ có thể cùng con đặt ra các mục tiêu học tập cụ thể, đo lường được và khả thi để trẻ biết rõ mình muốn hướng tới điều gì.
Dạy trẻ sắp xếp lịch học, thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, rèn luyện tính tự giác, phát triển kỹ năng quản lý thời gian.
Trong gia đình, khuyến khích trẻ học tập độc lập, đặt câu hỏi, tìm tòi. Khi trẻ có thắc mắc, bố mẹ không nên trực tiếp trả lời mà hãy hướng dẫn trẻ tự tìm ra giải pháp.
Với những hướng dẫn và sự hỗ trợ phù hợp của gia đình, trẻ sẽ dần trưởng thành, trở nên tự chủ, chịu trách nhiệm hơn trong học tập và các hoạt động khác.
Nuôi dưỡng thói quen đọc sách tốt cho trẻ
Đọc nhiều sách hay có thể mang lại lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
Việc đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và vốn từ vựng, mà còn nuôi dưỡng trí tưởng tượng, khả năng tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nếu khả năng học tiếng Việt của trẻ không đạt yêu cầu, hãy để trẻ sử dụng thời gian rảnh rỗi để đọc thêm. Những cuốn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích, sẽ giúp nâng cao trình độ ngôn ngữ, hiểu biết về thế giới xung quanh.
Trước hết, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ lựa chọn những cuốn sách phù hợp theo sở thích, sách về nhiều chủ đề khác nhau như khoa học, lịch sử, văn học, nghệ thuật hay thể thao. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp cận với nhiều lĩnh vực tri thức, phát triển sở thích và khám phá các lĩnh vực mới.
Ngoài việc lựa chọn sách phù hợp, hướng dẫn trẻ nắm vững các phương pháp đọc đúng như cách đọc lướt, đọc chuyên sâu, học cách trích từ hay, câu hay, viết kinh nghiệm đọc... Các kỹ năng này sẽ giúp trẻ đọc hiểu sâu hơn, ghi nhớ tốt hơn và biết cách tự học, tự nghiên cứu trong tương lai.
Đọc sách không chỉ là một hoạt động giải trí, mà còn là một phương pháp học tập hiệu quả, giúp trẻ phát triển toàn diện về tri thức, kỹ năng và phẩm chất. Với sự hướng dẫn và khuyến khích phù hợp, trẻ sẽ có thói quen đọc sách tốt, mang lại lợi ích to lớn cho cả quá trình học tập và cuộc sống.