4 câu nói cửa miệng của bố mẹ vô tình khiến con học hành sa sút
Một số câu nói của bố mẹ đôi khi vô tình tạo áp lực, làm tổn thương đến tâm trí của trẻ.
Trẻ em thật tế nhạy cảm hơn chúng ta nghĩ, đôi khi những lời nói vô tình của bố mẹ nhưng có thể in sâu trong tâm trí trẻ đến suốt đời. Một số trường hợp có thể làm con tổn thương, sợ hãi, tự ti về bản thân mình.
Vì vậy, trong quá trình giao tiếp với con, dù trong trường hợp nào bố mẹ cũng nên tránh những câu nặng lớn, cố gắng tinh tế, nhẹ nhàng với con trẻ. Dưới đây là những câu nói "cửa miệng" bố mẹ vô tình sử dụng hàng ngày có thể làm ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí trẻ.
"Chỉ là một bài toán thôi mà con cũng không làm được"
Trẻ từ 6 tuổi đã có ý thức về bản thân, muốn mình được người khác hay bạn bè yêu mến, đánh giá cao, hay ít ra không bị người khác nghĩ xấu, cho là mình vô dụng. Do vậy, nếu bố mẹ thường xuyên trách mắng, đặc biệt chê bai thành tích học tập thay vì có lợi cho con như nhiều người nghĩ, mà ngược lại có thể sẽ gây phản tác dụng.
Ở thời kỳ này, trẻ rất mẫn cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh, nên việc bị tổn thương tinh thần, tự ti là điều khó tránh khỏi.
Tiến sĩ, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ Susan Forward, tác giả cuốn Toxic Father (Cha Mẹ Độc Hại) đã chỉ ra rằng: "Con cái luôn tin những gì bố mẹ nói về mình và sẽ biến những lời nói đó thành nhận thức của trẻ.
Nếu bố mẹ nói những điều tiêu cực với con trong thời gian dài, đứa trẻ cũng trở nên nghi ngờ và phủ nhận bản thân. Trẻ tự cho rằng bản thân rất tệ, tự ti, yếu đuối và trong đầu luôn suy nghĩ "tôi không thể".
"Mẹ tốn bao nhiêu tiền cho con ăn học mà lại học hành thế này ha?"
Con cái học hành đỗ đạt thành tài, luôn thuận lợi và hạnh phúc trong cuộc sống là điều mà bậc bố mẹ nào cũng luôn muốn. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh cảm thấy thất vọng khi con không đạt được thành tích như mong muốn, nên thường dùng những hành động, lời nói để khiến trẻ nghĩ bản thân luôn làm sai.
Ví dụ, "Mẹ tốn bao nhiêu tiền cho con ăn học mà lại học hành thế này ha?", "Con chỉ cần học giỏi thôi mà cũng không làm được". Tuy nhiên, các bậc phụ huynh ít khi biết rằng, điều này có thể làm gia tăng nỗi sợ trong lòng trẻ.
Quan trọng hơn, những lời nói kiểu này ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác an toàn của trẻ, lâu dần trẻ nghĩ mình kém cỏi, làm gánh nặng của bố mẹ.
Trong trường hợp này, các chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ hãy cho con được quyền thất bại, đó cũng là một món quà giá trị mà bố mẹ có thể mang đến cho con mình, tạo lòng tin và động lực cho con phát triển.
"Con nhìn con của nhà người ta kia kìa"
Hầu hết trong chúng ta ít nhiều đã từng bị bố mẹ mình so sánh với con nhà người ta khi còn nhỏ. Tâm lý so sánh này là biểu hiện của việc bố mẹ mong muốn con mình trở nên giỏi giang hơn, biến sự tự ái thành động lực để cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế việc so sánh này có thể phản tác dụng.
Trẻ nhỏ luôn khao khát được bố mẹ hiểu mình, được công nhận. Việc bố mẹ nói những lời trái ngược với suy nghĩ của trẻ khiến chúng có cảm giác bị bỏ rơi.
Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể duy nhất, không ai giống ai, việc so sánh thực sự rất khập khiễng. Nếu bố mẹ muốn con mình trở thành "con nhà người ta", trước hết bản thân cũng phải trở thành "bố mẹ nhà người ta". Nếu hiểu được vấn đề này, bố mẹ hạn chế so sánh mù quáng, quan tâm tới cảm nhận của con mình hơn thay vì điểm số.
Đồng thời, nên tăng thời gian kết nối, lắng nghe suy nghĩ, đồng cảm với cảm xúc của con, để thấu hiểu hơn về tâm tư nguyện vọng của con mình.
"Không hiểu sao mẹ lại sinh ra một đứa như con"
Dù thất vọng với trẻ, bố cũng không nên nói rằng "Không hiểu sao mẹ lại sinh ra một đứa như con". Chuyên gia tâm lý Karen R. Koenig cho biết bà từng gặp nhiều trường hợp khách hàng bị tổn thương suốt đời vì câu nói này của bố mẹ.
Chuyên gia khuyên rằng khi gặp chuyện bực bội, không vui, bố mẹ cần tạo cho mình không gian riêng để lấy lại bình tĩnh trước khi nói chuyện với con, tránh nói ra những lời gây tổn thương trẻ.
Đồng thời, điều này cũng khiến con thu mình, khép kín và xa lánh bố mẹ hơn. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, thế nên hãy tôn trọng và cùng con phát triển sự khác biệt của mình trở thành thế mạnh khẳng định bản thân.