Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 09/09/2021 15:50 (GMT+7)

Yên Bái: Triển khai các giải pháp đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục

Theo dõi GĐ&PL trên

Năm học mới 2021 - 2022, số lượng xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giảm đáng kể. Sự thay đổi đó tạo ra niềm động viên khích lệ rất lớn, nhưng cũng đòi hỏi ngành Giáo dục phải có những giải pháp hiệu quả để đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục.

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Quyết định 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái giảm 22 xã khu vực III, 57 xã khu vực II, 122 thôn đặc biệt khó khăn khu vực I, II.

Những vấn đề mới đặt ra khi nhiều thôn, xã không còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn

Việc có 22 xã, 122 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đã khẳng định thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, song cũng đồng nghĩa với việc từ năm học mới 2021- 2022 cán bộ, giáo viên, học sinh ở những địa bàn này sẽ không còn được hưởng hoặc được hưởng ít hơn đối với một số chính sách hỗ trợ như trước đây. Điều này ít nhiều tạo ra những khó khăn nhất thời cho ngành giáo dục, theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

yen-bai-1-1631161924.jpg
Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Xuân Tầm vận động phụ huynh học sinh cho con tới trường.

Cụ thể, đó là giảm chế độ phụ cấp đối với giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú; phụ cấp đối với cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách đối với giáo viên dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt; chính sách đối với nhân viên nấu ăn tại trường mầm non có học sinh hưởng chính sách theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP…

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh sẽ giảm 01 trường phổ thông dân tộc bán trú, giảm 22 trường phổ thông có học sinh bán trú hưởng chính sách; dự kiến giảm 2.271 học sinh hưởng chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP; giảm 11.314 học sinh hưởng chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP; giảm 3.684 trẻ mẫu giáo hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái nhận định, ở các xã, thôn bản đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, học sinh không còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong khi tiềm lực kinh tế của gia đình chưa vững chắc. Điều đó phần nào dẫn đến việc huy động học sinh ra lớp khó khăn, tăng nguy cơ bỏ học và giảm tỷ lệ chuyên cần trên lớp. Các trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ bị thu hẹp nguồn tuyển sinh. Riêng trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Trấn Yên chỉ còn nguồn tuyển sinh tại 4 thôn thuộc 2 xã là Hồng Ca và Lương Thịnh, dẫn đến tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ giảm, không đảm bảo 10% theo mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy…

Và sự tận tâm của các thầy cô giáo vào cuộc cùng gia đình học sinh

Từ năm học này, em Bàn Hữu Tuấn, lớp 5, trường tiểu học và trung học cơ sở xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên không còn được hưởng chế độ trợ cấp học bán trú nữa. Tuấn bị bệnh u não nên gặp khó khăn trong sinh hoạt. Dưới Tuấn còn có em gái năm tới học lớp 2. Việc các em không còn được hưởng các chế độ học bán trú là một gánh nặng đối với gia đình.

Cô Nguyễn Thị Uyên, một trong những giáo viên phụ trách vận động học sinh của thôn Khe Lép đưa ra 2 phương án cho chị Bàn Thị Vạng - mẹ Tuấn: “Thứ nhất, con có thể ở bán trú, phụ huynh đóng tiền mua thức ăn và gạo, còn chỗ ở miễn phí. Với phương án này các con được ăn, ở tại trường, bố mẹ có thời gian lao động, sản xuất. Thứ hai là đưa đón về trong ngày, đóng tiền ăn trưa hoặc mang cặp lồng cơm, chi phí đóng góp thấp, song lại mất thời gian đưa đón con. Nếu Tuấn cần được mẹ chăm sóc do bệnh thì đi về trong ngày, còn em gái ở bán trú tại trường, bố mẹ có thời gian lao động sản xuất”. Chị Vạng quyết định chọn phương án đưa đón Tuấn về trong ngày, còn em gái ở lại trường.

Gia đình anh Triệu Quang Minh ở thôn Khay Dạo, xã Lâm Giang có 4 con học từ lớp 2 đến lớp 9. Khi chế độ bán trú không còn, nỗi lo cơm gạo cho đàn con tới trường dường như nặng thêm với gia đình anh. Tới thăm nhà, thầy Dương Cao Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Lâm Giang đề xuất phương án với vợ chồng anh Minh: “Hai bạn lớn có thể tự đi về trong ngày, 2 bạn nhỏ cho ở tại trường. Các bác ở xã đã vận động hỗ trợ thuê người nấu cơm nên các bạn bé ở lại trường được chăm sóc như ở nhà. Trường vẫn có đầy đủ giường, chiếu, chăn màn cho các con. Nếu khó khăn đóng tiền ăn cho đứa nhỏ thì nhà nuôi đàn ngan, mỗi tháng bán một con là gần đủ tiền đóng học cho một đứa. Nếu khó khăn hơn nữa, gia đình trao đổi, nhà trường và chính quyền địa phương sẽ tìm cách tháo gỡ dần với sự hỗ trợ của cộng đồng”.

Ở thôn Khay Dạo, còn bà Lý Thị Nỏn đang nuôi 3 cháu nội, ngoại. Biết tin không còn được ở bán trú, bà lo các cháu không thể tới trường. Thầy Nguyễn Trọng Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Giang phân tích cùng gia đình cho cháu lớp 2 ăn, ở tại trường, thầy cô chăm sóc; còn cháu lớp 4 và lớp 6, nhà trường sẽ vận động xin cho mỗi cháu một chiếc xe đạp vì đường từ nhà tới trường dài hơn 5km”.

Những giải pháp đảm bảo mục tiêu giáo dục

Trước thực tế trên, UBND tỉnh Yên Bái đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở phải tập trung tuyên truyền cho Nhân dân hiểu rằng khi các xã, thôn đáp ứng đủ các tiêu chí để không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn thì Nhà nước phải giảm hỗ trợ để tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khác đang còn trong diện đặc biệt khó khăn. Đối với ngành Giáo dục, yêu cầu phải xây dựng và triển khai ngay các giải pháp, áp dụng từ đầu năm học mới để đáp ứng những đòi hỏi cao hơn đối với những địa phương mới ra vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Giáo dục đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các Phòng Giáo dục tập trung thực hiện, với phương châm: “trường hỗ trợ trường; lớp hỗ trợ lớp; học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng dân tộc thiểu số.

yen-bai-2-1631161924.jpg
Giáo viên và học sinh Trường THCS Quang Trung, TP. Yên Bái tặng 72 chiếc xe đạp cho Phòng Giáo dục huyện Văn Yên để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có phương tiện đi về trong ngày.

Phong trào “Phòng giúp Phòng” sẽ tiếp tục được thực hiện giữa các Phòng Giáo dục ở vùng thấp, thuận lợi với các Phòng Giáo dục ở vùng cao, khó khăn cũng như mô hình kết nghĩa giữa các trường vùng thấp với các trường vùng cao để giúp đỡ về chuyên môn, cơ sở vật chất, kinh phí...

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái phối hợp cùng Công đoàn phát động phong trào "Tương thân tương ái", vận động đoàn viên, người lao động trong toàn ngành ủng hộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh vùng cao, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, mỗi thầy, cô giáo ủng hộ tối thiểu 01 bộ sách giáo khoa hoặc 100.000 đồng. Vận động cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tham gia đăng ký đỡ đầu, hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng cụ thể, góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh khi các em không còn được hưởng chính sách nhưng gia đình còn khó khăn về kinh tế.

Ngành cũng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các trường không còn đủ điều kiện là trường phổ thông dân tộc bán trú, trường không còn học sinh bán trú, xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của các trường đảm bảo thiết thực, hiệu quả; rà soát các đối tượng không được hưởng chính sách, chế độ do xã, thôn đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn để tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Yêu cầu các nhà trường thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh không còn được hưởng chính sách hỗ trợ; nắm chắc đối tượng có nguy cơ bỏ học để kịp thời có giải pháp, bảo đảm giữ vững kết quả không có học sinh tiểu học bỏ học, giảm số học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở.

Bằng sự chủ động, tích cực từ sớm, từ xa của ngành Giáo dục và sự tận tâm vào cuộc của các thầy, cô giáo, tỉnh Yên Bái phấn đấu đảm bảo các mục tiêu phát triển giáo dục của 5 năm tới ngay từ đầu năm học mới 2021 - 2022.

Cùng chuyên mục

Giảng đường 36 giờ không ngủ ở VinUni
Sáng tạo thích ứng nhanh là một môn học mới mẻ ngay cả với nhiều đại học danh tiếng trên thế giới. Ở VinUni, đây là môn học nền tảng rèn luyện năng lực tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, làm bệ phóng cho những môn học chuyên môn sau này.

Tin mới

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
Top 10 thực phẩm giàu canxi
Canxi là yếu tố then chốt giúp xương phát triển mạnh mẽ và duy trì sức khỏe của trẻ nhỏ, với một chế độ ăn cân đối, bạn có thể đảm bảo cung cấp đủ canxi cho trẻ, từ đó giúp bé có xương khỏe mạnh.