Xử lý hơn 232 cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn trong 6 tuần
Theo Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 30/8 - 15/10/2023, các Tổ công tác đặc biệt của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 232 trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức.
Theo đó, các Tổ công tác chủ trì đã triển khai ở 58 địa phương, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn, ma túy, quá tải trọng, qua đó đã phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
Trong đó, 6.119 trường hợp (1.129 ô tô, 4.963 mô tô, 26 xe máy điện, 01 xe ba bánh) vi phạm về nồng độ cồn; 46 trường hợp (12 ô tô, 33 mô tô, 01 xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn; 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy; 12 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa, 187 trường hợp vi phạm khác. Đặc biệt, qua xác minh nhanh, ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức...
Ngoài ra, quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, các Tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản, bàn giao cho Công an địa phương khởi tố: 08 vụ, 09 đối tượng, cụ thể: 03 vụ, 04 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép (Hải Phòng: 01 vụ, 01 đối tượng; Bắc Kạn: 01 vụ, 02 đối tượng; Bắc Giang: 01 vụ, 01 đối tượng); 03 vụ, 03 đối tượng chống người thi hành công vụ (Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng); 02 vụ, 02 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Cao Bằng và Thái Nguyên).
Chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để xác minh, xử lý 37 vụ, trong đó có 24 vụ liên quan đến ma túy, 10 vụ liên quan đến giấy phép lái xe không do cơ quan thẩm quyền cấp, 02 vụ không chấp hành có dấu hiệu chống người thi hành công vụ; 01 vụ có dấu hiệu đục số khung, số máy, gắn biển số không đúng với xe đang điều khiển (Đà Nẵng).
Việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị đối với các cá nhân vi phạm đã tạo sự chuyển biến về nhận thức sâu rộng trong quần chúng nhần dân và các cơ quan tổ chức, từ người đứng đầu đến cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, mọi người khi tham gia giao thông đều bình đẳng, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý không có vùng cấm,…